Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sự cần thiết xây dựng Đề án "Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025"

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Sự cần thiết xây dựng Đề án "Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025"
Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức xây dựng Đề án “Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025”.

Trên lãnh thổ nước ta có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên thuộc 106 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước, tổng lượng dòng chảy năm trung bình nhiều năm vào khoảng 830 - 840 tỷ m3. Về tiềm năng nước dưới đất trên toàn quốc vào khoảng 91,5 tỷ m3 /năm phân bố ở 18/28 tầng chứa nước chính. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, tuy nhiên tài nguyên nước của nước ta đang chịu tác động rất mạnh mẽ của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, khai thác ở thượng nguồn phía ngoài biên giới. Việc tăng trưởng kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu sử dụng nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, đô thị đang ngày càng gia tăng (theo thống kê sơ bộ, tổng lượng nước khai thác cho các mục đích sử dụng khoảng 85 tỷ m3 /năm) đã và đang làm tăng sức ép lên tài nguyên nước Việt Nam và nguy cơ gây mất an ninh tài nguyên nước quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.
Để có được các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên nước, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, công tác lập và điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch, điều hòa phân bổ tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, vùng và địa phương, giảm thiểu tác hại do nước gây ra thì trước hết phải nắm rõ được đầy đủ, đồng bộ các thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nguồn nước, số lượng và quy mô khai thác, sử dụng nước và cả nước. Trong những năm qua, mặc dù có nhiều hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá về tài nguyên nước, tuy nhiên các thông tin, số liệu để phục vụ công tác kiểm kê nói riêng và phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước nói chung còn nhiều hạn chế.

Tài nguyên nước là loại hình tài nguyên đặc biệt, việc kiểm kê khó khăn, phức tạp

Tài nguyên nước là loại hình tài nguyên đặc biệt, luôn thay đổi và có diễn biến phức tạp, phân bố không đều theo không gian và thời gian. Bên cạnh đó, tài nguyên nước Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước và việc điều tiết khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn. Hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 , chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm của hệ thống sông nước ta cụ thể như: ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tới 95% tổng lượng nước là từ nước ngoài (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia) chảy vào và ở lưu vực sông Hồng - Thái Bình có gần 40% tổng lượng nước là từ Trung Quốc. Các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng công trình thủy điện trên lưu vực sông Mê Công và sông Hồng (trên 20 hồ thủy điện lớn). Đồng thời, hằng năm hệ thống sông ở nước ta cũng vận chuyển khoảng 42 tỷ m3 nước chảy qua biên giới sang các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, càng làm cho việc kiểm kê tài nguyên nước trở nên phức tạp.

Các số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ tính toán, kiểm kê tài nguyên nước

Mặc dù trong những năm qua từ trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án về điều tra, đánh giá tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Tuy nhiên, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước còn hạn chế, thiếu đồng bộ, cụ thể: nguồn nước mặt mới thực hiện điều tra, đánh giá ở mức tổng quan; nguồn nước dưới đất mới điều tra, đánh giá tổng hợp, lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất, bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:200.000 phủ kín toàn quốc; điều tra, đánh giá chi tiết nước dưới đất, tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 6%, tỷ lệ 1:50.000 thực hiện khoảng 5%; điều tra, đánh giá, tỷ lệ 1:25.000 gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt thực hiện được 5% cho một số vùng đô thị lớn, đảo, vùng núi cao, khan hiếm thiếu nước; công tác điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước thực hiện khoảng 6%; điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 8%; điều tra, lập danh mục hồ chứa từ năm 2008 đến nay chưa được cập nhật.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh, đồng nghĩa với việc gia tăng nhanh chóng số lượng các công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Vì vậy, xét về cả phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện thì có thể thấy rằng, các thông tin, số liệu khá phân tán, thiếu đồng bộ, không được cập nhật, quy mô tổng hợp không thống nhất trên phạm vi cả nước. Dẫn đến việc thiếu nhiều thông tin, dữ liệu đầy đủ, tin cậy, không đáp ứng được yêu cầu trong công tác tính toán, kiểm kê tài nguyên nước.

Mạng lưới các công trình quan trắc, đo đạc tài nguyên nước còn thưa, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác kiểm kê

Kiểm kê tài nguyên nước, trong đó có kiểm kê về số lượng nguồn nước mặt, nước dưới đất là ghi nhận thông tin đặc trưng của tài nguyên nước về số lượng, chất lượng thông qua đo đạc, kiểm đếm bằng các công trình quan trắc, đo đạc, đánh giá tài nguyên nước. Tuy nhiên, số lượng và mật độ các công trình đo đạc, quan trắc còn thưa so với mạng lưới sông, suối và sự phân bố của các tầng chứa nước trên phạm vi cả nước. Đối với nước dưới đất, mạng lưới trạm quan trắc mới chỉ có khoảng 412 điểm với 805 giếng quan trắc nước dưới đất; mạng lưới quan trắc nước mặt mới chỉ có khoảng 354 trạm thủy văn, đang đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 23 trạm tài nguyên nước mặt độc lập, 23 trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt ở 11 lưu vực sông liên tỉnh và còn hàng trăm lưu vực sông liên tỉnh khác chưa được đo đạc, quan trắc.
Bên cạnh đó, vùng đồng bằng ở nước ta chiếm khoảng 25% diện tích và mật độ hệ thống sông vùng đồng bằng khá dày đặc, đặc biệt là hệ thống kênh, rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và nguồn nước có vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các sông vùng đồng bằng này chịu ảnh hưởng triều, xâm nhập mặn và chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chế độ dòng chảy của các sông vùng đồng bằng này rất phức tạp và số liệu dòng chảy của các vùng đồng bằng này được tính toán từ năm 1994, đến nay vẫn chưa được tính toán, cập nhật. Ngoài ra, không thể xác định được trực tiếp tổng lượng dòng chảy vùng đồng bằng thông qua số liệu quan trắc, đo đạc tại các trạm thủy văn, mà phải dựa vào tính toán, ngoại suy. Vì vậy, với hiện trạng mạng lưới công trình quan trắc, đo đạc và đặc điểm tài nguyên nước nước ta như trên, ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai công tác kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước.

Chưa có hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác kiểm kê tài nguyên nước

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong thập kỷ qua, đòi hỏi việc cần thiết phải áp dụng các công nghệ hiện đại và các thông tin, dữ liệu cần phải được chuyển đổi số, hướng tới việc quản lý, giám sát tài nguyên nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước theo thời gian thực. Đồng thời, phục vụ đắc lực, kịp thời công tác quản lý tài nguyên nước, công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, cảnh báo, công tác lập và điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch, điều hòa phân bổ tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, vùng và địa phương. Tuy nhiên, các thông tin, dữ liệu tài nguyên nước cơ bản mới ở dạng thô, chưa được số hóa một cách đồng bộ, đồng thời chưa có được hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu số riêng biệt phục vụ công tác kiểm kê tài nguyên nước. Đây cũng là một khó khăn, bất cập liên quan đến công tác kiểm kê tài nguyên nước.

Hạn chế về nguồn lực để thực hiện định kỳ kiểm kê theo quy định

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Tuy nhiên, việc phân bổ kinh phí cho các dự án điều tra cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ đề ra, dẫn đến việc xây dựng các công trình quan trắc tài nguyên nước còn hạn chế, một số dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước không đủ vốn, nên phải kéo dài thời gian thực hiện so với mục tiêu đề ra. Do đó, đến nay công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước đạt khoảng 6-8% diện tích; đầu tư, đưa vào vận hành khoảng 50% số lượng trạm tài nguyên nước mặt độc lập, khoảng 25% trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt và 67% số lượng giếng qua trắc nước dưới đất so với nhu cầu. Trong khi đó, tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật và thực hiện kiểm kê tài nguyên nước, công bố kết quả kiểm kê định kỳ 05 năm một lần. Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước được ban hành tại Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước quốc gia là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, tuy nhiên đến nay tài nguyên nước vẫn chưa được kiểm kê trên phạm vi cả nước.

Từ những phân tích trên cho thấy, việc thực hiện kiểm kê tài nguyên nước là cần thiết, nhằm mục đích cung cấp các thông tin, số liệu về tài nguyên nước phục vụ công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên nước và kế hoạch sử dụng nước ở cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương. Đồng thời, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó với BĐKH, tác động của khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn bên ngoài biên giới và đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia.​


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường