Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các trường hợp khai thác, sử dụng nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Các trường hợp khai thác, sử dụng nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Các mục đích sử dụng nước tại Phụ lục I – mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước kèm theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ chưa được định nghĩa rõ ràng. Đề nghị hướng dẫn cụ thể trường hợp này (Cử tri tỉnh Tây Ninh).

Ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để cụ thể hóa quy định tại Điều 65 của Luật Tài nguyên nước. Sau gần hai năm triển khai thi hành Nghị định nêu trên, tính đến ngày 09/7/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 465 công trình khai thác (chủ yếu là thủy điện), với tổng số tiền là 8.401 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phải nộp cho năm 2018 khoảng 985 tỷ đồng, số tiền sẽ phải nộp cho cho năm 2019 khoảng 1.047 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 1.048 công trình khai thác, với tổng số tiền khoảng 187 tỷ đồng, trong đó số tiền phải nộp cho năm 2018 khoảng 23,7 tỷ đồng, số tiền phải nộp cho năm 2019 khoảng 26,1 tỷ đồng.

Về việc xác định mục đích khai thác, sử dụng nước phải nộp tiền, tại khoản 1 Điều 65 Luật Tài nguyên nước đã quy định rõ các trường hợp khai thác, sử dụng nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và giao Chính phủ quy định cụ thể. Để hướng dẫn quy định nêu trên, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP đã quy định rõ căn cứ tính tiền tại Điều 4, mức thu tiền tại Điều 5, công thức tính tiền tại Điều 6, sản lượng tính tiền cấp quyền tại Điều 7, giá tính tiền tại Điều 8 và hệ số điều chỉnh tại Điều 9. Trong đó, tại khoản 1 Điều 4 đã quy định cụ thể về các mục đích sử dụng nước gồm: Khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện; khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ; khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác; khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc.

Trên cơ sở các mục đích sử dụng nước phải nộp tiền được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định, Phụ lục I của Nghị định đã quy định mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tương ứng với từng mục đích khai thác, sử dụng nước. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 7 của Nghị định cũng đã quy định rõ: “Giấy phép được cấp sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải ghi rõ lưu lượng nước khai thác cho từng mục đích sử dụng để làm cơ sở xác định sản lượng tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước". Theo đó, khi cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phải quy định rõ mục đích khai thác, sử dụng nước của công trình.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, tổ chức, cá nhân đã có đủ cơ sở để xác định mục đích khai thác, sử dụng nước của công trình, thực hiện việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có đủ có sở để thẩm định các mục đích khai thác, sử dụng nước do tổ chức, cá nhân kê khai.​