Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo vệ môi trường biển – phát triển kinh tế: Lợi ích sóng đôi

Tin tức - Sự kiện  
Bảo vệ môi trường biển – phát triển kinh tế: Lợi ích sóng đôi
Đây là điều mà người dân vùng biển Quảng Nam đã thấm nhuần rất rõ để ngày ngày ra khơi đánh bắt hải sản, có thu nhập ổn định, vừa nỗ lực giữ gìn môi trường biển trong sạch. Bởi biển chính là kho báu cần gìn giữ, là cả cuộc sống và tương lai…
<a href="http://tnmthanam.gov.vn/index.php/vi/news/Tin-hoat-dong/Bao-ve-moi-truong-bien-phat-trien-kinh-te-Loi-ich-song-doi-1858/"> Xem tiếp </a>

 

Vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) là một trong những điểm sáng môi trường biển an toàn tại Quảng Nam. Kể từ khi vùng biển này trở thành khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển thế giới, chính quyền, các cơ quan bảo tồn, cộng đồng cư dân địa phương đã đồng lòng giữ gìn môi trường biển trong sạch.

Người dân Tân Hiệp tỏa ra khắp các đảo nhỏ để tìm sinh kế, nhưng song song với đó, họ còn luôn có ý thức cần giữ cho biển sạch. Mỗi khi phát hiện các nguy cơ tác động xấu đến môi trường biển, họ tìm cách khống chế, ngăn ngừa áp lực tác động. Nếu vượt quá khả năng, “sự cố” sẽ được cấp báo các cơ quan quản lý (UBND xã, ban quản lý khu bảo tồn biển, lực lượng biên phòng) có cách xử lý thích hợp.

Một trong những “sáng kiến” để bảo vệ biển Cù Lao Chàm là việc thành lập Tiểu khu đồng bảo tồn biển thôn Bãi Hương từ năm 2013. Người dân đã trực tiếp quản lý tất cả hoạt động liên quan đến bảo tồn biển khu vực này. Ba năm qua, việc điều phối, giám sát, hướng dẫn người dân tham gia sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường biển của các tổ tuần tra, tổ tự quản, tổ truyền thông thuộc Ban Quản lý cộng đồng thôn Bãi Hương được triển khai hiệu quả. Các cơ chế, chính sách, tiến bộ trong bảo tồn biển từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu… luôn được lực lượng này cập nhật và ứng dụng kịp thời, nâng cao bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo.

Người Tân Hiệp cho rằng, bảo vệ môi trường biển để bảo vệ đa dạng sinh học xã đảo và mời gọi du khách. Đó cũng chính là sự vận dụng có trách nhiệm việc bảo vệ tài nguyên biển đảo để “bảo vệ” sinh kế bền vững cho chính người dân địa phương.

Còn bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) sạch đã trở thành “tâm điểm” du lịch biển phía nam Quảng Nam. Mỗi ngày, từ 4 đến 5 giờ sáng, 4 công nhân bảo vệ môi trường biển Tam Thanh tiến hành quét dọn, nhặt các túi ni lông, rác thải… tập kết gọn gàng vào các thùng chứa rác được bố trí cách nhau chừng 15m, dọc theo bờ biển. Khi công nhân môi trường kết thúc công việc, những thành viên đội cứu hộ, cứu nạn bắt đầu ra biển. Ngoài nhiệm vụ ứng cứu những người tắm biển không may, các thành viên này còn quan sát, phát loa yêu cầu, hướng dẫn người tắm biển thu dọn rác, bỏ vào thùng rác đặt sẵn… thay vì tùy tiện xả xác trên bãi biển.

 

Trong quá trình khai thác hải sản, người dân Tam Thanh cũng luôn ý thức bảo vệ môi trường biển. Theo UBND xã Tam Thanh, đến thời điểm này, 150 phương tiện khai thác hải sản ven bờ và 65 tàu đánh bắt hải sản tuyến lộng đều hoạt động đúng ngư trường phân vùng, đúng mắt lưới quy định. Các nghề dễ tận diệt nguồn lợi thủy sản như giã cào, bẫy ghẹ bằng lồng hầu như đã bị “đoạn tuyệt”. Thay vào đó, họ tham khảo, du nhập nghề mới như lưới cá trích, câu cá hố, lưới ghẹ, lưới cá chuồn. Tập quán đánh bắt hải sản ở các rạn san hô - nơi trú ngụ của nhiều loài cá cũng dần thay đổi, tránh tàn phá đa dạng sinh học… Ngư dân thấm thía rằng, bảo vệ nguồn lợi cũng chính là bảo vệ sinh kế của chính họ sống bằng nghề khai thác hải sản.