Thực hiện 48 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch
Theo Thanh tra Bộ TN&MT, từ đầu năm đến hết tháng 11/2021, Bộ đã thực hiện 48 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch (đạt 92% kế hoạch được giao), 31 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; ban hành 8 kết luận kiểm tra và 44 báo cáo kiểm tra. Trong đó, Thanh tra Bộ đã thực hiện 16/16 cuộc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra và kiểm tra việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và thông tin qua đường dây nóng đã được Bộ chuyển về các địa phương với hình thức chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo kế hoạch, đạt 100% kế hoạch được giao; thực hiện 2 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; thực hiện 1 cuộc làm việc, nắm bắt tình hình để tháo gỡ vướng mắc với 4 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; thực hiện 1 cuộc làm việc về sửa đổi Luật Đất đai tại tỉnh Lạng Sơn. Đang hoàn thiện 1 kết luận thanh tra và 1 báo cáo kết quả kiểm tra.
Tổng cục Quản lý đất đai đã thực hiện 1/2 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, đạt 50% kế hoạch được giao, thực hiện 1 cuộc kiểm tra đột xuất. Đã ban hành 1 báo cáo kết quả kiểm tra; Tổng cục Môi trường đã thực hiện 7/7 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đạt 100% kế hoạch được giao, thực hiện 1 cuộc kiểm tra đột xuất. Đã ban hành 8 kết luận thanh tra; đang hoàn thiện 12 kết luận thanh tra.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành 14/14 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đạt 100% kế hoạch được giao và 26 cuộc kiểm tra đột xuất. Đã ban hành 39 báo cáo kết quả kiểm tra; đang hoàn thiện 1 kết luận thanh tra; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã thực hiện 4/4 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, đạt 100% kế hoạch được giao và thực hiện 1 cuộc kiểm tra đột xuất.
Tổng cục Khí tượng thủy văn đã thực hiện 1/2 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, đạt 50% kế hoạch được giao. Đang hoàn thiện 1 báo cáo kết quả kiểm tra; Cục Quản lý tài nguyên nước chưa thực hiện 2/2 cuộc thanh tra theo kế hoạch; đã tổ chức khảo sát trước khi tiến hành thanh tra 2/2 cuộc.
Các Vụ trực thuộc Bộ đã thực hiện 45 cuộc kiểm tra thường xuyên theo Kế hoạch đã phê duyệt, đạt 100% Kế hoạch được giao. Bộ đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt công tác tiếp, giải quyết các kiến nghị của nhân dân; tập trung lực lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai phức tạp, đông người; quan tâm giải quyết đối với các vụ việc mới phát sinh, đảm bảo ổn định trật tự, chính trị, xã hội ở các địa phương trong năm diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước.
Đã cử Đoàn xác minh 28/33 vụ việc Thủ tướng chính phủ giao (chiếm 84,8%), trong đó đã báo cáo, giải quyết 12 vụ việc. Bộ đã cử Đoàn xác minh 45/54 vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ (chiếm 83,3%), trong đó mới triển khai được Đoàn xác minh 25 vụ việc, trong đó đã giải quyết 12 vụ việc, đang chờ làm việc với địa phương 1 vụ việc, đang hoàn thiện quyết định giải quyết 12 vụ việc; 20 vụ việc đã có quyết định cử Đoàn xác minh, do dịch bệnh Covid-19 nên Đoàn xác minh tham mưu Bộ có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu hồ sơ vụ việc, đề xuất phương án giải quyết. Hiện nay, còn 9 vụ việc Thanh tra Bộ đã dự kiến các Đoàn xác minh, đang thực hiện các thủ tục để trình Lãnh đạo Bộ ký quyết định.
Đến hết tháng 11/2021, Bộ đã thực hiện 48 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Ảnh: Hoàng Minh
Tăng cường thanh tra đột xuất
Thanh tra Bộ TN&MT cho biết, năm 2022, Bộ TN&MT sẽ căn cứ định hướng công tác thanh tra năm 2022 của Thanh tra Chính phủ và kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021 của Bộ để xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022.
Cụ thể, thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, môi trường và khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn, cấp nước đa mục tiêu; Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh than; Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Lĩnh vực đất đai sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.
Lĩnh vực môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện, xi măng, sản xuất gang, thép; thanh tra trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn.
Lĩnh vực khoáng sản sẽ thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp, đá vôi là nguyên liệu xi măng, đá đôlômit, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Lĩnh vực tài nguyên nước sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn.
Về công tác tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo sẽ thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra đột xuất đối với các tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường trên cơ sở yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước cũng như thông tin phản ánh của cơ quan truyền thông, của người dân cũng như của các cơ quan, đơn vị, địa phương.