Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 16/10/2013 của Tỉnh uỷ về “Tăng cường công tác dân vận của chính quyền đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam

Tin tức - Sự kiện Đảng - Đoàn thể  
Một số kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 16/10/2013 của Tỉnh uỷ về “Tăng cường công tác dân vận của chính quyền đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về 6 lĩnh vực tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 16/10/2013 của Tỉnh uỷ về “Tăng cường công tác dân vận của chính quyền đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, Sở có nhiều thuận lợi như Đảng ủy, Lãnh đạo Sở luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát triển khai việc thực hiện công tác dân vận ở cơ quan; cơ quan có Đảng bộ cơ sở, Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên cơ sở và Hội Cựu chiến binh cơ sở, là những hạt nhân quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện công tác dân vận ở cơ quan; đội ngũ cán bộ cơ quan cơ cấu trẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị là điều kiện quan trọng để cơ quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong đó có công tác dân vận chính quyền.

      

             Bên cạnh  những thuận lợi, cơ quan còn gặp phải một số khó khăn như nhiệm vụ quản lý của ngành gồm nhiều lĩnh vực, nhạy cảm, phức tạp, khó khăn nên có nhiều áp lực không chỉ đối với Lãnh đạo mà còn đối với cả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan; nhận thức, ý thức và hành động về việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quản lý của ngành, gây khó khăn trong việc thực hiện các chế độ chính sách, nhất là về đất đai, môi trường, khoáng sản; còn tình trạng cán bộ thuộc Sở chưa thực sự phát huy hết trách nhiệm cá nhân của mình trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, có ảnh hưởng nhất định đến kết quả chung của toàn Sở.


         Tranh thủ những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, Lãnh đạo Sở và cấp uỷ cơ quan đã cùng các tổ chức như Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh cơ sở phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 16/10/2013 của Tỉnh uỷ về “Tăng cường công tác dân vận của chính quyền đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” trong toàn cơ quan bằng nhiều hình thức. Do vậy công tác dân vận chính quyền tại cơ quan đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Trong chỉ đạo, quản lý, điều hành của Lãnh đạo Sở đã có nhiều đổi mới như: Phân công lại lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo của Lãnh đạo Sở; tổ chức giao ban Lãnh đạo Sở định kỳ 1 lần/tuần để thống nhất biện pháp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên chủ động tổ chức làm việc với cấp uỷ, chính quyền địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài nguyên và môi trường; trực tiếp đối thoại với công dân có đơn khiếu kiện liên quan đến tài nguyên và môi trường (nhất là đất đai) đối với đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, thậm chí cả đơn thư chưa thuộc thẩm quyền cấp tỉnh nhưng có nội dung phức tạp mà công dân đã phản ánh. Lãnh đạo Sở thường xuyên đôn đốc việc thực hiện những nội dung Chỉ thị số 19-CT/TU của các đơn vị trực thuộc, gắn công tác dân vận cụ thể vào nhiệm vụ chuyên môn.

         Việc tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt nội dung các văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận của chính quyền được lồng ghép trong các buổi học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập Nghị quyết Đảng các cấp và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan. Qua đó, sự điều hành của lãnh đạo, việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức đã có chuyển biến rõ rệt; đã chú trọng gắn kết nhiệm vụ được giao với công tác dân vận; thấy rõ hơn vai trò của công tác dân vận, dân vận hiệu quả sẽ có hiệu ứng tích cực cho công tác quản lý, đặc biệt là đối với các lĩnh vực nhạy cảm của ngành, liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của nhiều tổ chức, cá nhân.
Hàng năm, Sở ban hành kế hoạch tuyên truyền, phố biến chế độ chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tập huấn  tại cơ quan, đội ngũ cán bộ ngành tài nguyên và môi trường, doanh nghiệp, cán bộ các sở, ngành liên quan. Đặc biệt, Sở thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh để phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, hướng dẫn hội viên các đoàn thể, nhân dân thực hiện thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; phối hợp với các dự án đầu tư về môi trường thực hiện truyền thông về bảo vệ môi trường, nguồn nước. Năm 2014, Sở chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 cho cán bộ và nhân dân toàn tỉnh bằng hình thức truyền hình trực tiếp, được đông đảo nhân dân quan tâm, theo dõi.
Việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành được Sở tích cực thực hiện. Trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014, Sở đã chủ trì tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành 15 văn bản, chương trình, đề án để tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn. Các chính sách, chương trình, đề án Sở tham mưu đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành, phù hợp tình hình thực tế địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

          Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn quản lý nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Do vậy, Lãnh đạo Sở đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát nhiệm vụ được giao để nắm bắt những vấn đề bức xúc của nhân dân, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết bằng các hoạt động cụ thể như: Tổ chức giao lưu trực tuyến trên mạng Internet với tần suất 2 lần/năm để trao đổi, hướng dẫn, trả lời những vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường mà nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm. Việc làm này đã được Sở thực hiện nề nếp từ năm 2006 đến nay, được nhân dân quan tâm theo dõi và ủng hộ. Hầu hết những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm liên quan đến chính sách pháp luật của Trung ương và địa phương, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Tỉnh hoặc những thắc mắc, kiến nghị về công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. 100% các câu hỏi giao lưu được trả lời và đăng tải trên mạng Internet. Sở tích cực phối hợp với Đài PTTH tỉnh Hà Nam thực hiện chuyên mục “Dân hỏi – cán bộ trả lời” với các chuyên đề, nội dung mà nhân dân quan tâm như chế độ chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác cấp GCNQSD đất, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường và công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, nhằm tiếp tục tuyên truyền chủ trương của Tỉnh, của ngành cũng như làm rõ hơn trách nhiệm của nhân dân, tổ  chức, doanh nghiệp và các cơ quan trong việc sử dụng, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Phân công cán bộ chịu trách nhiệm phát ngôn của cơ quan. Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cho các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương theo yêu cầu. Tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri, báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri, trả lời kiến nghị cử tri trước, trong và sau kỳ họp HĐND tỉnh. Trung bình hàng năm Sở trả lời 10 vấn đề cử tri kiến nghị. Đối với những vấn đề cần giải quyết, Sở đã tổ chức xác minh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền, báo cáo cử tri tại kỳ họp sau. Không chỉ tiếp nhận, trả lời, giải quyết các vấn đề nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm thông qua việc tiếp xúc cử tri, thực hiện chuyên mục “Dân hỏi – cán bộ trả lời”, giao lưu trực tuyến trên mạng Internet, thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Sở Tài nguyên và Môi trường còn lập chuyên mục “Hỏi – Đáp” trên Trang Thông tin điện tử của Sở để trả lời các vấn đề được người đọc đăng tải, trả lời các vấn đề mà Cổng thông tin điện tử của Tỉnh chuyển về với tổng số 113 câu hỏi (tính đến ngày 15/9/2014).

         Để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, góp phần thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực rà soát thủ tục hành chính, Hoàn thành việc rà soát, kiến nghị UBND tỉnh ban hành bộ TTHC của Sở (Quyết định số 311/QĐ-UBND ngày 03/4/2014 công bố bộ TTHC được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường). Trong 9 tháng đầu năm 2014, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả Sở đã tiếp nhận và xử lý 142 hồ sơ (trong đó: 86 hồ sơ đã có kết quả, 34 hồ sơ chưa đến hẹn trả kết quả, 7 hồ sơ đến hẹn chưa có kết quả, 15 hồ sơ trả lại). Sở đã thực hiện công khai bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, trên cổng thông tin điện tử, website của Sở để mọi cá nhân, tổ chức có thể tra cứu nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Lãnh đạo Sở chú trọng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận chính quyền. Với đặc thù là một sở quản lý nhiều lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là lĩnh vực quản lý đất đai, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo chiếm đa số trong tất cả các lĩnh vực khác nên Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo ban hành kế hoạch tiếp công dân hàng năm để làm căn cứ thực hiện(tại Sở tiếp vào thứ 5 hàng tuần, tham gia tiếp dân tại trụ sở Tiếp công dân của UBND tỉnh vào ngày 20 hàng tháng). Sở bố trí Thanh tra viên cùng Lãnh đạo Sở tiếp công dân theo lịch hoặc mời công dân đến để tiếp(đối với vấn đề phức tạp). Trong 9 tháng đầu năm 2014, tại Sở tiếp và giải thích chế độ chính sách 29 lượt với tổng số 39 công dân; tiếp nhận và xử lý 62 đơn thư; tham mưu UBND tỉnh giải quyết 30 vụ việc (UBND tỉnh ra quyết định giải quyết: 09 vụ, báo cáo kết quả xác minh: 10 vụ, dự thảo kết quả xác minh: 03 vụ, hoàn thiện thủ tục hành chính: 01 vụ, trả lời công dân: 03 vụ, kiểm tra, xem xét lại sau Quyết định của UBND tỉnh: 01 vụ, công dân xin rút đơn: 03 vụ). Qua tiếp dân, tổ chức đối thoại với nhân dân, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cán bộ, lãnh đạo cơ quan đã giải đáp, giải quyết được nhiều đề nghị, kiến nghị của công dân; nắm bắt được những vấn đề phát sinh qua thực hiện chính sách trong cuộc sống và là dịp để thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến chính sách cho nhân dân hiểu, thực hiện. Đặc biệt, đối với những vụ việc vận động được công dân rút đơn khiếu nại là điểm sáng trong công tác này.

           Song song với việc thực hiện công tác dân vận với cơ quan, tổ chức và nhân dân, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã đặc biệt chú ý đến việc thực hiện công tác dân vận trong nội bộ cơ quan nhằm tạo nên một tổ chức đoàn kết, thống nhất, thi đua lao động, sáng tạo nhằm hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ được giao. Đối với nội bộ, hàng năm đều tổ chức thanh tra, kiểm tra phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với các đơn vị trực thuộc Sở (thanh tra từ 2-3 đơn vị/năm). Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quản lý. Các đơn vị được thanh tra, kiểm tra không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Lãnh đạo cơ quan đã quan tâm chỉ đạo thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan. Các nội dung của Quy chế dân chủ được Lãnh đạo Sở, BCH Công đoàn cơ sở cùng các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị thực hiện tốt. Do thực hiện tốt công tác dân vận trong cơ quan, cán bộ công chức, viên chức và người lao động đã chủ động, tích cực thi đua, đăng ký danh hiệu thi đua và cam kết thực hiện nhiệm vụ đã tạo ra mục tiêu phấn đấu tốt cho mỗi cán bộ và tập thể từng đơn vị. Các công việc nội bộ được thực hiện dân chủ, công khai như các quy chế về bổ nhiệm cán bộ, chế độ tài chính, sử dụng, đào tạo cán bộ, thi đua - khen thưởng, kỷ luật … làm minh bạch cơ chế quản lý, tạo niềm tin cho cán bộ công chức, viên chức và lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, phòng, chống tham nhũng. Việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở cũng đã có nhiều tác động tích cực trong quản lý, điều hành của Lãnh đạo Sở thể hiện trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức, tạo ra mối quan hệ mật thiết với nhân dân thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng được giao, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền. Tập thể Đảng ủy, Lãnh đạo Sở luôn gần gũi cán bộ CNV nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ dưới quyền với tinh thần cầu thị và ý thức trách nhiệm cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cán bộ CNV (kế cả cán bộ hợp đồng)tham gia các lớp đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Lãnh đạo Sở luôn lắng nghe ý kiến tham gia, kiến nghị của cấp dưới để định hướng giải quyết công việc.
Để tạo tiền đề cho việc tổ chức thực hiện công tác dân vận, Sở cũng đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, xây dựng thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp; tiếp tục tổ chức thực hiện Quy định tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ trong Ban Lãnh đạo Sở để tăng cường trách nhiệm, vai trò của Lãnh đạo Sở đối với các lĩnh vực quản lý của ngành.

              Nói chung, với vai trò là một cơ quan chuyên môn, với nhiều lĩnh vực quản lý, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai và thực hiện toàn diện các nội dung của công tác dân vận chính quyền, gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với công tác dân vận. Do vậy, công tác dân vận đạt kết quả tốt. Công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách cho nhân dân được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, làm chuyển biến rõ nét nhận thức của nhân dân về ngành tài nguyên và môi trường cũng như ý thức của nhân dân trong việc thực hiện nghĩa vụ về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Nhiều năm qua, trong cơ quan không có đơn thư nội bộ. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo cũng như các thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định tình hình xã hội và phát triển kinh tế của địa phương, xây dựng cơ quan đoàn kết, tiên tiến./.

Trần Mai