Trong gần 4 giờ đồng hồ của buổi chiều, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lắng nghe hàng chục lượt ý kiến đóng góp, kiến nghị của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành trên cả nước về các lĩnh vực: Đất đai, Môi trường, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Biến đổi khí hậu...
Với mỗi ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đều có những giải thích, trả lời và chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp giải quyết thấu đáo.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ kinh nghiệm và những kiến nghị
Báo cáo với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, trong tháng 3/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ trình UBND thành phố thí điểm chuyển đổi diện tích đất lúa trên 10ha mà theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV vừa thông qua tại Kỳ họp thứ tư. Và đến năm 2020 (sau 3 năm thực hiện), TP.HCM sẽ báo cáo lại tình hình thực hiện mô hình này với Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đề nghị thí điểm Ủy quyền cho các chi nhánh của 24 quận huyện ký và đóng dấu trả luôn “sổ đỏ” đối với các trường hợp đăng ký cấp GCN lần 2 trở đi… Thừa ủy quyền của lãnh đạo TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ủng hộ và phối hợp giúp đỡ để TP.HCM thực hiện tốt các chính sách, chương trình này.
Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng - ông Phạm Quốc Ka trình bày tham luận
Ở góc độ khác, ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hải Phòng chia sẻ: Hiện nay, vấn đề kiểm soát môi trường đang được dư luận rất quan tâm. Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã học tập Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thành lập Trung tâm truyền dẫn, tích hợp thông tin dữ liệu quan trắc môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường. “Hiện nay, chúng tôi đã dẫn truyền được 100 điểm quan trắc từ những nơi có nguồn thải về Sở Tài nguyên và Môi trường…” - ông Phạm Quốc Ka nói.
Tuy nhiên, việc dẫn truyền dữ liệu quan trắc tự động vẫn còn một số vấn đề như: Một số doanh nghiệp nước ngoài không đồng tình; việc phân loại các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm vẫn còn khó khăn…
Từ kinh nghiệm của địa phương mình, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng đây là mô hình cần quan tâm vì điều này giúp cơ quan quản lý Nhà nước địa phương có thể kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp có phát thải lớn và đặc biệt là tiết kiệm được nguồn ngân sách cho Nhà nước.
Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc - ông Nguyễn Văn Khước phát biểu
Đồng quan điểm với kiến nghị của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố khác, ông Nguyễn Văn Khước - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cho rằng: “Việc tổ chức các Hội nghị như thế này là rất ý nghĩa với các địa phương. Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các Hội nghị chuyên đề riêng như: Đất đai, Môi trường… thì các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành sẽ có thêm nhiều thời gian để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và lắng nghe những chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Toàn cảnh Hội nghị chiều 7/1 tại Trụ sở Bộ TN&MT
Xác lập Quy chế phối hợp trong toàn ngành
Sau khi cùng Lãnh đạo Bộ lắng nghe và trực tiếp giải đáp từng thắc mắc của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Hội nghị giữa lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh thành là việc làm hết sức ý nghĩa.
Thay mặt Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng bày tỏ sự trân trọng và ghi nhận những ý kiến, những trăn trở của lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tại Hội nghị này, theo Bộ trưởng, các đại biểu đã tập trung vào các nhóm vấn đề: Thứ nhất, đó là sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cần phải được tăng cường hơn nữa. “Công việc của ngành Tài nguyên và Môi trường chỉ thành công khi có sự phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương” - Bộ trưởng nói.
Vấn đề thứ hai, đó là những khó khăn vướng mắc mà các lãnh đạo các Sở chưa nói hết. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các Sở khi có khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cần nói ngay, kiến nghị ngay để Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp giải quyết.
Vấn đề thứ ba là việc hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật mang tính vĩ mô của ngành tài nguyên và môi trường đã được lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường góp ý rất nhiều trong Hội nghị này. Theo Bộ trưởng, các lĩnh vực của ngành như: Đất đai, Môi trường, Tài nguyên nước, Khoáng sản, Biến đổi khí hậu… có đến 90% liên quan đến đời sống của người dân.
Những kinh nghiệm, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương trong hội nghị hôm nay và trong thực tiễn là nếu địa phương nào giải quyết được thì cần được chia sẻ và sẽ trở thành những kinh nghiệm quý báu để các Sở Tài nguyên và Môi trường trên cả nước học tập.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ TN&MT
“Bộ Tài nguyên và Môi trường rất mong lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các các địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến, hiến kế cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề quan tâm của ngành trên phạm vi cả nước, để Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ sẽ nghiên cứu, vận dụng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật của ngành, đồng thời rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác quản lý điều hành” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cho biết, trong tháng 2/2018, sẽ có dự thảo Quy chế phối hợp của ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương, xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn, để toàn ngành làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường