Nguồn vốn này chủ yếu hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng (khoảng 64 tỷ USD) để đầu tư mới vào năng lượng tái tạo và bù đắp cho các tài sản bị “mắc kẹt" trong các nhà máy năng lượng hóa thạch. Một phần cho công nghiệp, giao thông và nông nghiệp (17 tỷ USD) và các chương trình hỗ trợ xã hội (33 tỷ USD).
Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định, các khoản đầu tư trong những ngành, lĩnh vực giảm phát thải tiềm năng sẽ cần được hỗ trợ bởi định giá carbon, dưới dạng một sắc thuế hoặc hệ thống mua bán phát thải, để khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình chuyển đổi hành vi sang các hoạt động phát thải thấp. Trong quá trình chuyển dịch, cần đặc biệt chú trọng đến việc giảm thiểu tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình thu nhập thấp. Bên cạnh việc tạo ra nhiều việc làm hơn trong ngành NLTT, một số nhóm người lao động sẽ cần di chuyển trong cùng ngành (từ năng lượng than đá sang năng lượng tái tạo) hoặc giữa các ngành (từ nông nghiệp sang dịch vụ), đòi hỏi có hỗ trợ việc làm và đào tạo lại, bổ túc kỹ năng.
Với sự kết hợp phù hợp các chính sách và chiến lược, Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội thu hút đầu tư, tài chính quốc tế để thúc đẩy các mục tiêu phát triển, đạt tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0" mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Các biện pháp chủ động sẽ bao gồm: Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; giảm ô nhiễm không khí và tối đa hóa lợi ích cho sức khỏe; cải thiện mức độ di chuyển lao động trong nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển trong cùng ngành và giữa các ngành; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua quan hệ đối tác với các công ty xuất khẩu để giảm lượng phải thải các-bon trong chuỗi giá trị; giảm tác động đến các khoản đầu tư khác bằng cách nâng cao hiệu quả chi tiêu công.