Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Viễn thám Việt Nam bắt kịp xu hướng chuyển đổi số

Tin tức - Sự kiện Đo đạc - Bản đồ  
Viễn thám Việt Nam bắt kịp xu hướng chuyển đổi số
Hoạt động thu nhận tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 độ phân giải cao, đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội được chọn là 1 trong 9 sự kiện TN&MT nổi bật của năm 2021. Việc thu nhận được các dữ liệu công nghệ cao như tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 đánh dấu những nỗ lực của ngành viễn thám Việt Nam, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia đã có buổi trò chuyện về dấu mốc này cũng như định hướng trong thời gian tới.

* Thưa ông, ông có thể chia sẻ quá trình Việt Nam từ khi thu nhận ảnh vệ tinh VNRedSat-1 đến quá trình nâng cấp để thu nhận ảnh viễn thám độ phân giải cao của vệ tinh Spot 6/7?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Ngày 9/7/2009, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ khánh thành Trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển trong ứng dụng công nghệ viễn thám tại Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam đã đưa vệ tinh viễn thám đầu tiên VNREDSat-1 lên quỹ đạo. Trạm thu viễn thám đã được nâng cấp thành công thu nhận dữ liệu từ vệ tinh này. Việc thu nhận dữ liệu từ vệ tinh VNREDSat-1 đã cho phép chúng ta chủ động hơn trong việc quan trắc, giám sát bằng viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

2.28.png

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia

Vệ tinh SPOT 6 được phóng tháng 9/2013 và vệ tinh SPOT 7 được phóng vào tháng 6/2014 tạo thành một chùm vệ tinh quan sát trái đất được thiết kế để cung cấp ảnh viễn thám với độ phân giải cao (1.5 m đối với ảnh toàn sắc và 6m đối với ảnh đa phổ), dự kiến hoạt động được duy trì đến năm 2024. Điều đáng chú ý là khả năng cung cấp ảnh của 2 vệ tinh này là rất lớn; có thể cung cấp ảnh theo sơ đồ khách hàng đặt thay vì theo dải như các thế hệ vệ tinh SPOT trước đây. Đây sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng có thể bổ sung cho sự thiếu hụt dữ liệu ảnh viễn thám chất lượng cao hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, thời điểm trước đây công nghệ cũng như trang thiết bị của trạm thu ảnh của Đài Viễn thám Trung ương, chưa tương thích trong việc thu nhận và xử lý ảnh SPOT6,7. Do vậy để có thể thu nhận và xử lý được ảnh viễn thám SPOT 6 và SPOT 7, trạm thu ảnh cần được nâng cấp trang thiết bị thu nhận tín hiệu ảnh SPOT6,7 và tăng cường năng lực xử lý ảnh của Đài Viễn thám Trung ương.

Việc nâng cấp được thực hiện trong khuôn khổ Tiểu dự án 3: “Xây dựng hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám".

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc bảo trì, lắp đặt và đào tạo một hệ thống rất lớn và phức tạp phải thực hiện trong thời gian ngắn (2 tháng) với 4 đợt chuyên gia khác nhau. Tuy nhiên, với lực lượng cán bộ dày dạn kinh nghiệm và được đào tạo qua các kỳ nâng cấp, đơn vị đã vượt qua các khó khăn, bất kể thời gian để vừa đồng hành với chuyên gia trong quá trình lắp đặt và nâng cấp hệ thống vừa học tập vận hành, quản trị hệ thống và đặc biệt đảm bảo các yêu cầu an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế. Cán bộ của đơn vị đã nhanh chóng tiếp nhận, vận hành hệ thống và đã thực hiện thu nhận dữ liệu và xử lý viễn thám SPOT6/7 trực tiếp tại Đài Viễn thám trung ương.

Trạm thu ảnh sau khi được nâng cấp thu nhận và xử lý ảnh SPOT6,7  góp phần giải quyết khó khăn về cung cấp dữ liệu ảnh viễn thám, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ứng dụng tư liệu viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường, phòng tránh thiên tai và phát triển bền vững ở Việt Nam, đảm bảo an ninh quốc phòng; mặt khác sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng hiện có để giảm thiểu kinh phí đầu tư trong việc thu nhận ảnh vệ tinh SPOT 6 và SPOT 7 đồng thời có thể chủ động trong việc xử lý và cung cấp sản phẩm ảnh SPOT 6 và SPOT 7 đến người sử dụng. 

2.29.png

Thứ trưởng Trần Quý Kiên thăm và kiểm tra quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tại Đài Viễn thám Trung ương

* Thưa ông, việc thu nhận ảnh viễn thám độ phân giải cao của vệ tinh Spot 6/7 có ý nghĩa như thế nào trong phục vụ quản lý TN&MT, cũng như sự phát triển của ngành viễn thám Việt Nam?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Việc nâng cấp trạm thu để thu nhận và xử lý tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 sẽ giúp Cục Viễn thám quốc gia chủ động hơn đối với việc cung cấp dữ liệu ảnh, đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, không những thế việc nâng cấp còn tiết kiệm được nguồn vốn ngân sách nhà nước khi phải bỏ tiền ra mua dữ liệu của nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc thu nhận tín hiệu trực tiếp từ các vệ tinh SPOT 6/7 giúp Cục Viễn thám quốc gia chủ động lên kế hoạch đặt chụp ảnh căn cứ nhu cầu dữ liệu trong nước và khả năng chụp ảnh của vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam.

Cùng với đó, việc kết hợp dữ liệu thu chụp từ ba vệ tinh VNREDSat-1, SPOT 6/7 làm cho tần suất thu nhận dữ liệu tại bất kỳ một khu vực nào trên lãnh thổ nước ta tăng lên đến 1 ngày/lần (với 1 vệ tinh thông thường là 3 ngày/lần). Với tần suất chụp ảnh cao, nhất là phục vụ các nhiệm vụ mang tính cấp bách như nhiệm vụ phục vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đặc biệt, dữ liệu SPOT 6 và SPOT 7 có độ phân giải cao tới 1,5 m cho phép giám sát với mức độ chi tiết cao, làm tăng hiệu quả của cung cấp thông tin từ dữ liệu viễn thám. Cục sẽ có được một cơ sở dữ liệu ảnh SPOT 6, 7 đồng bộ với những dữ liệu đã thu nhận trước đây tại trạm thu về một số đặc tính kỹ thuật.

Mặt khác, việc đưa ra giải pháp nâng cấp trạm thu viễn thám cũng là giải pháp giảm thiểu kinh phí đầu tư trên cơ sở tận dụng phần cứng, phần mềm và nhân lực sẵn có trên trạm thu đã được lắp đặt tại Việt Nam.

2.30.png

SPOT 6/7 độ phân giải cao phủ trùm diện tích rộng

Ảnh viễn thám độ phân giải cao của vệ tinh SPOT 6/7 đã được ứng dụng tương đối rộng rãi ở nước ta vì dòng vệ tinh SPOT đã được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Dữ liệu viễn thám SPOT6/7 của Cục Viễn thám quốc gia đã được cung cấp cho dự án 3: “Xây dựng hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám" để thực hiện cập nhật và phân tích hiện trạng bờ sông bờ biển toàn bộ 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại thời điểm mới nhất 2020-2021. Năng lực của chùm vệ tinh SPOT6/7 cũng được khẳng định khi chỉ trong thời gian ngắn đã chụp phủ toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 40.600 km2 hoàn toàn đáp ứng yêu cầu giám sát sạt lở bờ sông bờ biển trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long theo yêu cầu của địa phương cũng như các cơ quản lý nhà nước ở Trung ương.

Dữ liệu viễn thám SPOT6/7 cũng được Cục Viễn thám quốc gia sử dụng để giám sát kiểm đất đai do Tổng cục Quản lý đất đai và cung cấp dữ liệu cho Cục Đo đạc bản đồ và hệ thống thông tin địa lý để cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý tỉ lệ 1:10.000. Đây là bước tiến lớn khi các dữ liệu viễn thám trước đây của Cục Viễn thám quốc gia có độ phân giải 2,5 mét thường chỉ dùng để cập nhật đến tỉ lệ 1:25.000 nhưng với dữ liệu SPOT6/7, cập nhật bản đồ hoặc cung cấp thông tin ở tỉ lệ 1:10.000 là hoàn toàn đáp ứng được mở ra khả năng phục vụ được nhiều mục đích đối tượng hơn với nhiều thông tin chi tiết và chính xác hơn theo kịp sự phát triển của xã hội.

Ngoài ra, dữ liệu SPOT6/7 được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sử dụng để theo dõi dải ven biển khu vực Cà Mau.

Cùng với đó, dữ liệu ảnh SPOT6/7 được sử dụng rộng rãi trong mục đích an ninh quốc phòng và trở thành nguồn dữ liệu chính để cung cấp thông tin cho việc cập nhật bản đồ quân sự, bản đồ ảnh phục vụ giám sát kết quả thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;...

Ở địa phương, thành phố Hải Phòng ngay khi nhận được thông tin Cục Viễn thám quốc gia được nâng cấp thu nhận dữ liệu SPOT6/7 đã yêu cầu được cung cấp dữ liệu để sử dụng vào mục đích quản lý nhà nước của thành phố cho thấy nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám ở tỉ lệ lớn 1:10.000 trở lên của các địa phương là rất lớn.

* Để có thể thu nhận được các dữ liệu viễn thám ngày càng chất lượng cao hơn, phủ rộng hơn, Cục Viễn thám Quốc gia sẽ có những định hướng hoạt động như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã đặt ra mục tiêu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám cũng như thu nhận, xử lý dữ liệu, đưa trình độ ứng dụng công nghệ viễn thám của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước đang phát triển trên thế giới.

Để thực hiện mục tiêu này, Cục Viễn thám Quốc gia đã tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện về cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực viễn thám, bảo đảm quản lý hiệu quả hoạt động viễn thám trên phạm vi cả nước. Ưu tiên xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động viễn thám, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược và quy hoạch phát triển viễn thám. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng, phát triển viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo đảm QP-AN và phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, tổ chức giám sát diễn biến xấu về TN&MT, giám sát TNMT biển, giám sát hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên nước ngoài biên giới và giám sát tình hình thực hiện QHSDĐ bằng công nghệ viễn thám, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thám hiện đại, đồng bộ đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo đảm QP-AN và phát triển KT-XH.

Đồng thời, đưa công nghệ viễn thám thành một trong các công cụ chủ đạo trong công tác quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với BĐKH; bảo đảm QP-AN và phát triển KT-XH, ứng dụng rộng rãi từ Trung ương đến địa phương.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ tài nguyên về vệ tinh, trao đổi dữ liệu viễn thám, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là ứng dựng công nghệ viễn thám giám sát thiên tai. Thu hẹp khoảng cách về trình độ, công nghệ viễn thám so với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế về viễn thám.

Đặc biệt, để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thám, hiện nay Cục Viễn thám quốc gia đang hợp tác với Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ triển khai xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh, dự án được ước tính sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Định hướng đến năm 2025, trên cơ sở kế thừa và phát huy hiệu quả các kết quả, thành tựu phát triển trong giai đoạn trước, hoàn thiện khung pháp lý cao nhất là xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Viễn thám cùng với một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện về viễn thám. Tiếp tục đầu tư và đổi mới công nghệ để trở thành nước dẫn đầu trong khu vực về ứng dụng công nghệ viễn thám.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường