Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những thành tựu nổi bật

Giới thiệu chung Những thành tựu nổi bật  
Những thành tựu nổi bật
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam được thành lập theo quyết định số 926/QĐ-UB ngày 20/8/2003 của UBND tỉnh Hà Nam; trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực Địa chính của Sở Địa chính với chức năng, nhiệm vụ quản lý về lĩnh vực Khoáng sản thuộc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương), lĩnh vực môi trường thuộc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) và lĩnh vực quản lý tài nguyên nước thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Biên chế ban đầu  người với tổng số 94 cán bộ công chức, viên chức và lao động và 10 đơn vị thuộc Sở (trong đó 7 đơn vị QLNN, 3 đơn vị sự nghiệp)

 

           Tài nguyên và Môi trường bao gồm các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân. Xác định rõ được những khó khăn, thách thức và đặc biệt là đối với một ngành mới được thành lập, trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành, tuy thời gian chưa dài, song được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, của UBND các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và môi trường chủ động, tích cực, đoàn kết thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Kết quả đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Về tổ chức bộ máy và cán bộ

Khi mới thành lập, hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành còn chưa đầy đủ, mới chỉ thành lập được ở cấp tỉnh, nguồn nhân lực thiếu và yếu, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã; cơ sở, vật chất còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay sau khi thành lập, Sở đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, bộ máy, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Tổ chức, bộ máy của ngành không ngừng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cùng với xu thế phát triển chung của ngành, năm 2004 UBND tỉnh đã quyết định thành lập phòng Pháp chế thuộc Sở, năm 2005 thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, năm 2008 thành lập Chi cục Bảo vệ Môi trường. Đây là những dấu mốc quan trọng, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức của sở Tài nguyên và Môi trường; đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường có 13 đơn vị trực thuộc (tăng 30% so với năm 2013), tổng số cán bộ công chức, viên chức thuộc sở với tổng số 231 người (tăng 140% so với năm 2003) với trình độ chuyên môn trên 80% đại học và trên đại học.

Hệ thống Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố cũng được ngày một kiện toàn, lớn mạnh. Đến nay, 6/6 huyện, thành phố đều đã có Văn phòng Đăng ký QSD đất, hoạt động nề nếp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tính minh bạch trong việc giải quyết thủ hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ sự nghiệp.

Bên cạnh việc không ngừng kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thuộc Sở, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường luôn chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt sắp xếp đội ngũ cán bộ, thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2011-2015; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2015-2020 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của ngành. Tại thời điểm hiện nay sở đang cử 01 cán bộ đi đào tạo trình độ Tiến sỹ, 13 cán bộ đào tạo thạc sỹ và thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, Sở đã chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật, thường xuyên tổ chức học tập, phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật Đất đai, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Bảo vệ Môi trường và các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, của các bộ ngành liên quan; triển khai kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường bằng nhiều hình thức như Hội nghị, phóng sự, tờ rơi, đăng tin trên Trang thông tin điện tử của Sở, của tỉnh, tổ chức giao lưu trực tuyến trên mạng Internet…. Từ đó nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và quần chúng nhân dân về việc chấp hành thực hiện tốt quy định của pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh trong xu thế hội nhập quốc tế.

Hầu hết các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đến nay đã có quy hoạch, là cơ sở quan trọng cho công tác quản lý, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2020 và định hướng đến 2030, Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2015; Đề án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc, kế hoạch và chương trình hành động bảo vệ môi trường của tỉnh, phương án phòng tránh và khắc phục ô nhiễm môi trường do lũ bão gây ra, quy hoạch mạng lưới quan trắc; quy hoạch nước mặt, quy hoạch nước dưới đất, quy hoạch khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất 3 cấp giai đoạn 2001-2010, giai đoạn 2010-2020…

Tham mưu ban hành 63 văn bản quy phạm pháp luật

Tham mưu ban hành 63 văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, cụ thể:

 Đo đạc bản đồ: 01,

Đất đai: 41,

Tài nguyên nước: 02,

Khoáng sản: 07,

Bảo vệ môi trường: 11,

Thanh tra: 01.

Các văn bản QPPL được ban hành đúng trình tự, thẩm quyền, hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế, cơ bản giải quyết được những vướng mắc của địa phương. Đặc biệt, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách, các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng được đại bộ phận người bị thu hồi đất đồng thuận, ủng hộ và chấp hành nghiêm túc. Ngoài ra, theo thẩm quyền, Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực ngành được giao quản lý. Công tác phối hợp xây dựng các hướng dẫn liên ngành về quản lý khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng đất đạt hiệu quả, góp phần tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. 

Quản  lý các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn

Sở đã bám sát kế hoạch, nhiệm vụ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, triển khai toàn diện, hiệu quả về quản  lý các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn:

Đo đạc, lập bản đồ bằng công nghệ số

Đến nay, hầu hết các đơn vị cấp xã đã có bản đồ bằng công nghệ số để phục vụ công tác quản lý.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg và chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành tài nguyên và môi trường đã tích cực tham mưu các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, triển khai việc đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và cấp GCNQSD đất, đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sơ dữ liệu đất đai tại 7 xã phường thành phố Phủ Lý; hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính 7 xã huyện Lý Nhân và 01 xã huyện Bình Lục với diện tích 5818,2ha. Đang đo đạc lập bản đồ địa chính ở 14 xã, thị trấn còn lại của Lý Nhân và đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính 12 xã phường thành phố Phủ Lý.

Cấp GCNQSD đất

Cấp GCNQSD đất đã triển khai tất cả ác đơn vị cấp xã trong tỉnh, đã cấp GCNQSD các loại đất như sau:

Đất nông nghiệp đã cấp 214.481/222.722GCN, đạt 96,3%;

Đất ở đã cấp 233.136/241.501GCN, đạt 96,5%;

Đất cho các tổ chức 2.914 GCNQSD với 2633,851ha (chia ra: 947 GCNQSD đất tổ chức kinh tế (1879,8ha, 664 GCNQSD đất tổ chức sự nghiệp công (281,3543ha), 728 GCNQSD đất cơ quan nhà nước (339,197ha), 575 GCNQSD đất tổ chức khác (133,5ha).

Tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, phát triển kinh tế - xã hội, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao đất, cho thuê đất. Trong 10 năm qua đã trình UBND tỉnh Hà Nam  quyết định giao đất và cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng tổng số 1.116 dự án với tổng diện tích là: 3.816,7 ha. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo đúng đối tượng, đúng vị trí, diện tích và phù hợp với các quy định của Nhà nước. Các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; trình tự, thủ tục xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác xây dựng bảng giá đất hàng năm được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, hàng năm đã tiến hành điều tra, khảo sát xây dựng bảng giá đất để UBND tỉnh trình HĐND phê chuẩn ban hành bảng giá đất trên địa bàn tỉnh theo quy định, phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Quản lý tài nguyên khoáng sản

Là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là chủ yếu, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên phối hợp với các cấp, các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành,  rà soát, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động khoáng sản và công tác ATLĐ tại mỏ đá làm VLXD. Thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, xét duyệt thiết kế cơ sở mỏ, các vấn đề về ATLĐ, bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác, cấp phép hoạt động khoáng sản. Đo đạc, tính khối lượng khai thác làm cơ sở cho việc báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động khoáng sản trên địa bàn đối với 179 mỏ đang hoạt động, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của phương án khai thác. Ký hợp đồng thuê đất thuê đất mỏ và đất chế biến khoáng sản với 111 mỏ - diện tích 431,50 ha; Quyết định cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất làm mặt bằng khu chế biến khoáng sản với 79 dự án với diện tích 330,390 ha.

Các mỏ được thăm dò để đánh giá trữ lượng, khoáng sản được thăm dò chủ yếu là đá vôi xi măng, sét xi măng, sét làm gạch ngói và đá vôi làm VLXD thông thường. Công nghệ thăm dò chủ yếu là khoan thăm dò kết hợp với lộ trình địa chất. Công nghệ khai thác lớp xiên gạt chuyển và công nghệ khai thác lớp bằng vận tải trực tiếp.

Việc thu hồi các giấy phép khai thác khoáng sản, đóng cửa các mỏ thuộc vùng tạm dừng hoạt động khoáng sản, trong các khu vực quy hoạch xi măng đã được UBND tỉnh chỉ đạo sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các cấp, các sở ngành liên quan thực hiện tương đối tốt, từ năm 2011 đến nay tỉnh đã ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép 01 đơn vị, thông báo chấm dứt hiệu lực 37 giấy phép.

            Nhìn chung công tác quản lý khoáng sản đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tỷ lệ chế biến biến sâu, nâng cao giá trị khoáng sản tăng mạnh qua từng năm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

 

            Quản lý Tài nguyên nước

Công tác quản lý Tài nguyên nước đã được tăng cường và có nhiều chuyển biến. Từ khi thành lập Sở, lĩnh vực tài nguyên nước không có quy hoạch để quản lý, không ai quản lý việc khai thác, các doanh nghiệp xả thải tự do ảnh hưởng đến chất lượng và môi trường nước, đến nay, ngay từ khi thành lập, Sở đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch quản lý nước dưới đất và ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý tài nguyên nước, quy định về quản lý việc cấp phép hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm quản lý tài nguyên nước, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, năm 2009, Sở đã tham gia dự án nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước do Vương quốc Bỉ tài trợ, năm 2010 xây dựng quy hoạch quản lý nước mặt, đầu năm 2013 tiến hành khảo sát giếng khoan để có biện pháp xử lý trước mắt và lâu dài. Việc cấp phép hoạt động tài nguyên nước bắt đầu đi vào nề nếp. Đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp 89 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước cho các đơn vị hoạt động liên quan đến tài nguyên nước (39 giấy phép xả nước thải; 20 giấy phép khai thác nước mặt; 30 giấy phép khai thác nước dưới đất).

Bảo vệ môi trường

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý môi trường như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/BCT của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lập quy hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2020 và định hướng đến 2030, Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2015; Đề án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc, kế hoạch và chương trình hành động bảo vệ môi trường của tỉnh, phương án phòng tránh và khắc phục ô nhiễm môi trường do lũ bão gây ra..

Công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện thường xuyên đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường với các ngành liên quan và các tổ chức chính trị xã hội; tổ chức hội thảo, tập huấn về bảo vệ môi trường, tuyên truyền pháp luật về môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân về bảo vệ môi trường, phản ánh kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những vi phạm của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường.

Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2005 đến nay, các dự án đầu tư mới đều được yêu cầu lập báo cáo ĐTM, hoặc bản cam kết BVMT. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thẩm định nghiêm túc, đảm bảo chất lượng trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2005 đến hết tháng 5/2013, Tỉnh đã phê duyệt 180 ĐTM, 04 ĐTM bổ sung. Từ năm 2007 đến hết năm 2012, cấp huyện đã tổ chức kiểm tra, xác nhận được 287 bản cam kết bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 302 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và cấp lại lần 1 cho 23 cơ sở, cấp lại lần 2 cho 03 cơ sở và cấp lại lần 3 cho 01 cơ sở; cấp giấy phép tự xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại cho 01 đơn vị. Đôn đốc và thu tiền ký quỹ phục hồi môi trường của 226 điểm mỏ khai thác khoáng sản với số tiền là 23.745.629.159 đồng.

 Tăng cường kiểm tra, giám sát về môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp, các các cơ sở sản xuất, trong đó có điểm “nóng” về môi trường. Kiểm tra các công trình xử lý về môi trường tại các cơ sở sản xuất; công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.

Thường xuyên theo dõi, kiểm soát ô nhiễm nước nước sông Nhuệ - Đáy, quan trắc ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất theo quy định báo cáo những diễn biến bất thường để có biện pháp xử lý.

Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường thì công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì vậy, công tác thanh tra luôn được sở quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Thời gian qua, đã tiến hành 70 cuộc thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường (thanh tra công tác bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất, sử dụng tài nguyên nước và hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp; thanh tra việc giao đất cho các hộ dân làm nhà ở, việc quản lý sử dụng đất công ích của cấp xã, việc chấp hành pháp luật của các dự án khu đô thị). Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 4 đơn vị với tổng số tiền là 51,55 triệu đồng, thu hồi 99.973m2 đất và yêu cầu các đơn vị khắc phục vi phạm. Ngoài ra, Sở đã tích cực phối hợp, tham gia các cuộc thanh tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì như thanh tra về hoạt động khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tăng cường kiểm tra nhằm chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm. Qua phối hợp thanh tra, kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 142 triệu đồng.

 Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra đối với trên 200 lượt tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm.

Thực hiện nghiêm túc việc thường trực tiếp dân; tiếp nhận, thẩm tra và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân liên quan đến các lĩnh vực như trình tự, thủ tục, giao đất cấp GCNQSD đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra những bức xúc về khai thác và sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường dã từng bước được tháo gỡ, chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện, tình trạng khiếu kiện trong đó có khiếu kiện kéo dài giảm dần.

Cải cách hành chính

Đảng ủy, Ban giám đốc Sở luôn xác định để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và muốn thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa ngành thì công tác cải cách hành chính là khâu đột phá, có ý nghĩa quyết định. Do đó, sở đã tập trung vào việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế 1 cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đến giao dịch, công tác. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cơ chế 1 cửa từ năm 2004 với 26 loại thủ tục hành chính được rà soát, công khai giải quyết, nghiêm túc tổ chức thực hiện. Từ đó đến nay, định kỳ hàng năm Sở đều tiến hành rà soát, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định, đề nghị UBND tỉnh công khai để tổ chức thực hiện. Hiện nay, tại Sở đang thực hiện 96 loại thủ tục hành chính thuộc 6 lĩnh vực ngành quản lý. Qua việc thực hiện cơ chế 1 cửa, các thủ tục hành chính được minh bạch, thuận tiện, và giải quyết nhanh gọn hơn đảm bảo được các yêu cầu theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2000, hiện nay đang xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

ứng dụng công nghệ thông tin

Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của ngành cũng ngày càng được đẩy mạnh như việc xây dựng và nâng cấp Trang Thông tin điện tử của Sở.

Trang Thông tin điện tử đã đón nhận 119.486 lượt người truy cập (trung bình: 23.987 lượt người trong 1 năm, 1991 lượt người trong 1 tháng, 66 lượt người trong 1 ngày, 3 lượt người trong 1 giờ ) . Do đó, đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân và doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế từ khai thác, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trang thông tin điện tử của Sở đã đem đến người xem các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoạt động của ngành Tài nguyên - Môi trường Hà Nam; cung cấp thông tin tài nguyên, môi trường tỉnh Hà Nam cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế  - xã  hội của tỉnh Hà Nam.

 Việc áp dụng phần mềm TD OFFICE vào quản lý hồ sơ công việc, ứng dụng hiệu quả các phần mềm chuyên ngành vào quản lý, tích hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường. Thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, cổng thông tin nội bộ, trả lời câu hỏi trực tuyến theo quy định, tổ chức giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp, kịp thời giải đáp những đề nghị, thắc mắc, cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.

Thi đua yêu nước

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về Thi đua yêu nước, Sở duy trì hàng năm với nội dung cụ thể, thiết thực, do đó mọi người đều đăng ký và hưỏng ứng các phong trào thi đua, đã động viên được trí tuệ, sức lực vào thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch hàng năm.

Với những thành tích kết quả đã đạt được trong những năm qua, tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam đã vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009, Cờ Thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2010, 2012 và nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 04 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, 09 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều cá nhân, tập thể được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh tặng Bằng khen, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, tỉnh, Bộ.

Xây dựng Đảng, các đoàn thể

Với những thành tựu đạt được trong 10 năm thành lập và phát triển của ngành tài nguyên và môi trường đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trên mọi lĩnh vực công tác.

Thực hiện sâu rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn đảng bộ đã nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai, trong đó có nội dung đăng ký việc làm cụ thể theo tấm gương của Bác  gắn với nhiệm vụ chuyên môn cụ thể được giao; nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình, khắc phục tồn tại theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 khóa XI. Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường không ngừng trưởng thành và lớn mạnh từ 1 Đảng bộ khi thành lập Sở với 52 Đảng viên với 7 chi bộ trực thuộc,  đến nay Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 12 Chi bộ trực thuộc với tổng số 108 đảng viên. Đảng bộ Sở và các chi bộ luôn được công nhận là Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, Đảng bộ Sở liên tục các năm đạt Tổ chức cơ sở đảng Trong sạch vững mạnh, năm 2007, 2012 được công nhận là Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Có 7 đ/ c được tặng huy hiêu 30 năm tuổi đảng.

Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên cơ sở liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu tổ chức cơ sở vững mạnh, xuất sắc, được Công đoàn, Đoàn Thanh niên cấp trên tặng Bằng khen. Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo môi trường lành mạnh để cán bộ công chức ngành TNMT tăng cường mối quan hệ, đoàn kết, nhất trí, nỗ lực rèn luyện, cống hiến vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường.

Hội CCB Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam được thành lập tháng 9/2004 với 21 hội viên. Ngay từ ngày thành lập, với bản chất bộ đội Cụ Hồ, Hội tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Sở, được cấp Ủy Đảng, lãnh đạo sở CCVC và lao động trong toàn ngành tin tưởng.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Ngành Tài nguyên và Môi trường đang đứng trước những cơ hội thuận lợi, song cũng không ít những khó khăn, thách thức. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao toàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, xây dựng cơ quan tiên tiến, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao, các đoàn thể vững mạnh. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của ngành từ tỉnh xuống đến cơ sở theo nghị định mới của Chính phủ. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo năng lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Phát động, hưởng ứng và thực hiện và đổi mới các phong trào thi đua; khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Hai là, tích cực, chủ động tham mưu đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách về tài nguyên và môi trường, phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên. Thực hiện nghiêm túc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, tập trung nguồn lực thực hiện Dự án tổng thể đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, lập hồ sơ địa chính, giao đất, cấp GCNQSD đất cho các đối tượng; tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều chỉnh  quy hoạch khoáng sản, quy hoạch nước dưới đất, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới quan trắc. Xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch ngành đảm bảo các nội dung quản lý đều có quy hoạch làm cơ sở.

Ba là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung cao vào việc kiểm soát thủ tục hành chính nhằm kịp thời loại bỏ những rào cản, minh bạch các hoạt động quản lý; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của ngành, tiến tới ứng dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến, quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008.

Bốn là, Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành góp nhằm xử lý và phòng ngừa các vi phạm. Đổi mới phương pháp tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư để hạn chế tối đa đơn thư vượt cấp, khiếu nại tố cáo kéo dài, đông người.

Năm là, Chủ động, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan để thực hiện kế hoạch nhiệm vụ được giao; kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh từ cơ sở.

Sáu là, Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền chế độ chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường nhất là chế độ chính sách về giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu nhằm làm chuyển biến căn bản về nhận thức, thái độ, trách nhiệm cũng như hành động của các đối tượng quản lý, người dân và doanh nghiệp, tạo thế thống nhất trong xã hội về quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường.          

Trung tâm CNTT