Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2022-2025 và định hướng năm 2030.

Tin hoạt động  
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2022-2025 và định hướng năm 2030.
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 417/QĐ-BTNMT ngày 10/3/221 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị Quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh Ủy Hà Nam  Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Hà nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030  và Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 09/8/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành về việc phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam đã ban hành kế hoạch số 2235/KH-STN&MT ngày 17/10/2022 Kế hoạch chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2022-2025 và định hướng năm 2030 (Có nội dung Kế hoạch kèm theo).

Theo đó Chương trình chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường cần đạt mục tiêu phát triển Chính phủ số đến năm 2025 với các nội dung như: 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hoá, mang lại sự thuận tiện cho người dùng; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 90% báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của sở được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra nhiều kế hoạch trong đó chú trọng vào những nội dung: hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, đồng thời chú trọng quan tâm đến công tác đảm bảo, an toàn, an ninh thông tin theo hướng nâng cao hiệu quả, tiết kiệm kinh phí cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại Sở.

Việc xử lý văn bản trên phần mềm Văn bản điện tử tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện tại hầu hết các văn bản của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở đã được trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản điều hành kết hợp ký số trên phần mềm, hiện nay, tỷ lệ trao đổi văn bản đạt  trên 95%. Qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí văn phòng phẩm, tạo sự chuyên nghiệp, nâng cao hiệu suất trong công việc, hơn nữa thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh hướng tới xây dựng thành công chính quyền điện tử.

   Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp là mục tiêu luôn được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng đến. Hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường có 79 thủ tục hành chính, trong đó đã có 78/79 thủ tục đã được triển khai ở mức độ 3,4. Bên cạnh đó đã xây dựng, cấu hình được cấu hình tích hợp thanh toán trực tuyến cho các thủ tục hành chính mức độ 4 có phát sinh lệ phí. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Sở, tạo nhiều tiện ích thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính.

10.11.png

Bên cạnh đó, sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Cục thuế tỉnh triển ký Quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký đất đai phục vụ cho việc trao đổi thông tin bằng hình thức điện tử thành công và đưa vào vận hành. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, tạo nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

   Việc liên kết chia sẽ dữ liệu cũng được Sở quan tâm và đẩy mạnh, hiện nay Sở đang phối hợp với Công an tỉnh  Hà Nam  triển khai kết nối, chia sẻ, khai thác đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính ngành tài nguyên và môi trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, bên cạnh còn giảm nhẹ về thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính.

Công tác công khai minh bạch thông tin trên môi trường điện tử cũng được Sở quan tâm và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Thời gian qua, thực hiện Luật tiếp cận thông tin, Sở đã công bố tất cả các tài liệu phải được công khai, công bố theo quy định. Trên quan điểm đó, hệ thống công khai thông tin đã triển khai chi tiết các nội dung chính: các tài liệu về tài nguyên và môi trường, văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và mục tiêu cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn, đồng thời phải theo kế hoạch và lộ trình đặt ra, để đạt được những mục tiêu chiến lược. Đẩy mạnh triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng quản lý và chia sẻ dữ liệu, các dự án quản lý duy trì về hạ tầng phần cứng, phần mềm công nghệ thông tin, đảm bảo nền tảng phục vụ chuyển đổi số của ngành, là yếu tố then chốt giúp xác định cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin/dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành, từ đó hướng tới mục tiêu đạt hiệu suất cao nhất trong công tác chuyên môn, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2022, Sở cũng đặt mục tiêu trong việc hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo quyết định số 417/QĐ-BTNMT ngày 10/3/2021 gắn với Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành tại tỉnh, đẩy mạnh thực hiện kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan nhằm góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu lực, thực hiện cải cách hành chính tại Sở; đẩy mạnh thực hiện và khẩn trương hoàn thiện chương trình chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường. Từ đó góp phần tăng lợi thế chỉ số cạnh tranh của tỉnh Hà Nam, đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo để xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số.