Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hợp nhất Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường

 
Hợp nhất Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 566/TB-VPCP ngày 20/12/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường

Sau khi các Bộ trưởng báo cáo, ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần chủ động, khẩn trương của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trong quá trình xây dựng phương án hợp nhất. Việc này nhằm giảm chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn hay bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước; đồng thời tổ chức bộ máy khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ thống nhất tên gọi của Bộ sau hợp nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

PTTg Trần Hồng Hà.jpg

Ảnh: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị

Liên quan đến các vấn đề giao thoa, Phó Thủ tướng đề nghị 2 Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan có liên quan rà soát lại các nội dung còn giao thoa như: Thú y - chăn nuôi, thủy lợi - quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn - phòng chống thiên tai…

Trong đó bảo đảm không chồng chéo với nhiệm vụ của các bộ, cơ quan và tránh trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Bộ, lấy ý kiến thành viên Ban cán sự Đảng 2 Bộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trường hợp cần thiết, báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ xem xét, quyết định.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn thiện phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của bộ mới sau hợp nhất.

Trong đó cần lưu ý một số nguyên tắc: Thứ nhất, một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Thứ hai, việc hợp nhất cần kiện toàn, giải quyết các trùng lắp về nhiệm vụ của các lĩnh vực trong bộ mới và của bộ với các bộ khác (như giao thoa quản lý lĩnh vực nông thôn, tài nguyên nước, hạ tầng giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải và các bộ khác).

Thứ ba, xác định tên tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, thể hiện toàn diện hiệu lực - hiệu quả - hiệu năng hoạt động.

Thứ tư, bên cạnh việc sắp xếp bộ máy chú ý việc sắp xếp nhân sự, bảo đảm tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tư tưởng, bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Trụ sở Bộ TNMT.jpg

Ảnh: Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường

Văn phòng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất 2 Bộ khẩn trương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, hoàn thiện đề án hợp nhất 2 Bộ và dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ mới, gửi Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định.

Các đề án và dự thảo này cần trình Ban Chỉ đạo của Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm chất lượng và thời hạn; phương án bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về bộ máy, tổ chức, hoạt động của bộ mới từ Trung ương đến địa phương./.


Tin viết
Tin liên quan