Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Chiều ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ Tài ngyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có hơn 120 đại biểu tham dự là các thành viên Ban soạn thảo và Tổ Biên tập Luật tài nguyên nước (sửa đổi): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; đại diện các Sở TN&MT tỉnh, thành phố; đại diện các hiệp, hội, các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước; đại diện một số trường đại học, các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, cùng các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội.

6.x.30.png
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía các cơ quan quốc tế có đại diện Ngân hàng Thế giới, Tổ chức đối tác về nước Úc (AWP); Ông Gal Saf, Tham tán Đại sứ Quán Israel; Ông Duchateau Koen, Giám đốc Cơ quan hợp tác Châu Âu tại Việt Nam; Ông Hevre Conan, Giám đốc quốc gia cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam; Bà Tiziana Fusco, Giám đốc cơ quan phát triển Ý tại Việt Nam; cùng đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tham dự tại các điểm cầu trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, xưa nay, người Việt vẫn thường hay ví von “nhiều như nước" để nói về sự dồi dào của nguồn nước. Tuy nhiên, đến nay, dường như điều này không còn chính xác với tài nguyên nước của Việt Nam. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại bởi theo đánh giá của WB thì tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước thực trạng “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn". An ninh nguồn nước của chúng ta đứng trước những thách thức rất lớn cần phải giải quyết. Trong khi đó, tình trạng sử dụng nước lãng phí, ý thức bảo vệ nguồn nước chưa cao, tài nguyên nước chưa được quản lý đúng ý nghĩa tổng hợp.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết, sớm nhận thức được tầm quan trọng của an ninh nguồn nước đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, Việt Nam đã ban hành Chiến lược tài nguyên nước quốc gia và xây dựng đồng bộ hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật với Luật Tài nguyên nước năm 2012 và 63 văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành, triển khai Luật.
Qua hơn 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Thực tế đòi hỏi chúng ta cần phải tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước đặt ra của giai đoạn phát triển mới; bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. 

6.x.31.png

Toàn cảnh Hội thảo

 

Để đạt được các mục tiêu trên, tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì, sửa đổi Luật tài nguyên nước trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện Luật tài nguyên nước trên một số nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu cơ bản.
Theo đó, thể chế hóa được quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu, do Nhà nước thống nhất quản lý; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, lưu vực.
Đồng thời, các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế về tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Ngoài ra, kế thừa các nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở tổng hợp, thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì cần đề xuất ngay để quy định trong luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao thì có thể đề xuất thực hiện thí điểm.
Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia hiện đại trên nền tảng công nghệ số; tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư khai thác sử dụng, bảo vệ, khôi phục nguồn nước bị suy thoái.

Thứ trưởng cũng cho rằng cần phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

6.x.32.png

Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng thế giới phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng thế giới cho biết: Việt Nam đã xây dựng một khuôn khổ pháp lý và chính sách toàn diện để quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đặc biệt là thông qua Luật Tài nguyên nước 2012 và các công cụ pháp lý hỗ trợ. Mặc dù khuôn khổ này đã góp phần định hình cơ hội phát triển của đất nước, nhưng có một số mối đe dọa gia tăng đang gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước, gây ra căng thẳng về kinh tế, xã hội và môi trường. Cùng với đó, biến đổi khí hậu làm tăng rủi ro liên quan đến tài nguyên nước. 
Theo bà Carolyn Turk, một trong những thách thức chính liên quan đến nước là “quá ít" - Việt Nam đang phải đối mặt với căng thẳng về nước ở các lưu vực sông quan trọng đóng góp 80% GDP của cả nước và điều này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có các hành động kịp thời. Cạnh tranh về tài nguyên nước càng trở nên trầm trọng hơn do năng suất sử dụng nước thấp, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp.
“Quá nhiều" cũng là thách thức được bà Carolyn Turk đề cập đến. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ chịu rủi ro nhất ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, và biến đổi khí hậu đang làm tăng rủi ro và chi phí do hạn hán và lũ lụt. Cùng với đó là các mối đe dọa khác bao gồm dòng chảy môi trường bị thu hẹp và việc khai thác nước ngầm không được kiểm soát dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn và sụt lún đất;…

Bà Carolyn Turk cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường khuôn khổ pháp lý để giải quyết các mối đe dọa liên quan đến nước như “quá ít", “quá bẩn" và “quá nhiều" một cách toàn diện và tích hợp. Điều này sẽ liên quan đến việc quản lý hiệu quả hơn các nguồn nước (số lượng và chất lượng nước, nước mặt và nước ngầm), cải thiện năng suất nước, xây dựng khả năng chống chịu với các mối đe dọa của biến đổi khí hậu và kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia. 
Để đạt được điều này sẽ đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành có liên quan đến quản lý và sử dụng nước (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, v.v.), giữa cấp trung ương và cấp tỉnh, và giữa các tỉnh, thành phố trên từng lưu vực sông cụ thể.
 

“Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 là một bước quan trọng đầu tiên. Trong tương lai, Việt Nam phải hướng tới việc thực hiện có hiệu quả Luật tài nguyên nước sửa đổi, bao gồm thông qua nâng cao năng lực, tài chính và đầu tư. Ngân hàng Thế giới cam kết tiếp tục cam kết hợp tác với Việt Nam để chuyển các quy định pháp luật thành hành động thực tế nhằm giải quyết các thách thức hiện nay, hỗ trợ đảm bảo mục tiêu an ninh tài nguyên nước tại Việt Nam", bà Carolyn Turk nhấn mạnh. 

6.x.33.png

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến

6.x.34.png

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Đánh giá tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước 2012, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, kể từ khi Luật được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tài nguyên nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và cần thiết phải được bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, trong bối cảnh tài nguyên nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những tồn tại, bất cập của Luật Tài nguyên nước năm 2012 như vấn đề về thể chế, khung pháp lý, trong 10 năm trở lại đây việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước còn tồn tại một số thách thức và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Theo đó, xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo hướng quy định các nội dung bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo chu trình của nước, tài nguyên nước là hữu hạn, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành triển khai thực hiện.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân kiến nghị trong quá trình thực thi các quy định của pháp Luật Tài nguyên nước trong thời gian qua.
Luật hoá một số quy định trong các văn bản dưới Luật đã được phát huy hiệu quả trong thực tiễn nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.
Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ chú trọng đến việc bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Trên cơ sở cách tiếp cận và kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước và các yêu cầu phát sinh trong thực tế quản lý, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước: Sẽ được lồng ghép trong các quy định về Quy hoạch, Điều tra cơ bản tài nguyên nước; khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; điều phối, giám sát tài nguyên nước…. bổ sung xây dựng bộ chỉ số để bảo đảm an ninh nguồn nước

Luật sửa đổi lần này cũng đề xuất việc quy định nguyên tắc thực hiện xã hội hoá; các hoạt động ưu tiên thực hiện xã hội hoá (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, cải tạo, phục hồi các dòng sông; quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức

, cá nhân trong việc thực hiện… Đồng thời, rà soát đồng bộ để sửa đổi, bổ sung theo hướng xử lý các vấn đề chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với Luật Thủy lợi và các Luật khác có liên quan. 

6.x.35.png
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng trình bày tham luận tại Hội thảo


Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các diễn giả trình bày các tham luận: Rà soát đánh giá Luật Tài nguyên nước 2012 và kiến nghị (Ngân hàng Thế giới); Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông tại Cộng hòa Pháp (Cơ quan Phát triển Pháp); Tình hình triển khai Luật Tài nguyên nước 2012 tại địa phương và kiến nghị (Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng); Quản lý hạn hán, thiếu nước và bảo đảm an ninh nguồn nước tại Úc (Tổ chức đối tác về nước Úc); Đánh giá tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước 2012: Định hướng và kế hoạch sửa đổi (Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã phát biểu, thảo luận, chia sẻ quan điểm của các bên liên quan về việc triển khai Luật tài nguyên nước (2012) và kinh nghiệm về các chính sách quản lý tài nguyên nước của các quốc gia như Úc, Pháp,…

6.x.36.png

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ phát biểu ý kiến tại Hội thảo

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, các ý kiến từ hội thảo đã đưa ra nhiều kiến nghị cho việc xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi) trong thời gian sắp tới. Các ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp đã được đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước một cách đồng bộ, tổng hợp, thống nhất, đảm bảo an ninh tài nguyên nước.

6.x.37.png

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước sẽ tiếp tục gửi ý kiến về Bộ TN&MT để hoàn thiện Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). 
Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước trên cơ sở nội dung thảo luận tại Hội thảo hôm nay, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật tài nguyên nước, bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu đặt ra. Đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước bên cạnh hỗ trợ sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong thời gian tới tiếp tục có các chương trình, dự án hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước ở Việt Nam.​

Theo Bộ tài nguyên và Môi trường