Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đổi mới tư duy quản lý bền vững tài nguyên nước

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Đổi mới tư duy quản lý bền vững tài nguyên nước
Khẳng định tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác nhân từ việc khai thác bừa bãi, sử dụng quá mức dẫn tới nguồn nước cạn kiệt và ô nhiễm, Bộ TN&MT đang tập trung nguồn lực xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, mang tầm dài hạn để thúc đẩy phát triển bền vững.

Còn đó những điểm nghẽn chính sách

Áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao khiến tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.

Thực tế, thời gian qua, nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tài nguyên nước như: Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020); Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, các công ước quốc tế về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, các văn bản luật, dưới luật có liên quan.

Cơ chế tài chính, chủ trương kinh tế hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước, Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thông qua các văn bản đã được Bộ Tài chính ban hành như: quy định về quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp trong quản lý tài nguyên nước, quy định tăng thuế khai thác sử dụng tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 -2020, để bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao, giữ vững an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài. Đồng thời, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước.

Đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng và đang phát huy tác dụng của cơ chế phối hợp vận hành liên hồ, điều tiết nước (bao gồm các lưu vực sông: Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srêpôk, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, sông Hồng, Đồng Nai và lưu vực sông Hương) nhằm giảm lũ cho hạ du, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất ở khu vực hạ du trong mùa cạn. Kể từ khi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã chỉ đạo đơn vị có chức năng theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành của các hồ chứa để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành theo đúng quy trình.

Mặc dù, các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đã tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nước, tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện, các quy định đó đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập. Đơn cử, trên một dòng sông, ngành TN&MT quản lý chất lượng môi trường sông, ngành NN&PTNT sử dụng nước sông trong tưới tiêu, ngành Công Thương quản lý các công trình thủy điện trên sông, ngành Giao thông vận tải phụ trách quản lý vận tải sông và hệ thống cảng... Thế nhưng lại thiếu đi một cơ chế quản lý thống nhất. Chính vì vậy, cần đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều mối quan 

8.012.png

Đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông

Cấp thiết sửa đổi, bổ sung các quy định mới

Cục Quản lý Tài nguyên nước - Đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi cho biết, trước nhu cầu lớn về khai thác, sử dụng nguồn nước hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung như: quy định về vật thể chứa nước, quy hoạch tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia… Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung nguồn lực xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm giải quyết những vướng mắc, hạn chế phát sinh trong thực tế hiện nay.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, lần sửa đổi này sẽ hướng tới một số chính sách lớn, gồm: Xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt là việc phục hồi các dòng sông suy thoái, cạn kiệt dòi hỏi phải chi ngân sách lớn, trong khi việc phục hồi các dòng sông hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức đối tác công tư đảm bảo lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp; tăng nguồn thu cho ngân sách trên cơ sở “nước là tài sản công" được quy định tại Hiến pháp, tài sản này phải được tính đúng, tính đủ giá trị của nó, sử dụng tài sản nhà nước phải trả tiền, trả đúng trả đủ; Khái niệm về an ninh tài nguyên nước, hoạt động để đảm bảo an ninh tài nguyên nước cũng sẽ được bổ sung trong Luật sửa đổi này.

 Đối với việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy, bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước, trong đó, có cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy. Bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước. Đề xuất các giải pháp công trình “kho chứa nước" để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô.

 Dự thảo Luật sửa đổi sẽ quy định rõ hơn các biện pháp, chế tài trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Bổ sung quy định về sử dụng nước hướng đến tiết kiệm nước trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước. Cùng với đó, về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Dự thảo Luật sửa đổi sẽ sửa đổi, bổ sung theo hướng tách bạch quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Về phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo, dự thảo Luật sửa đổi sẽ bổ sung quy định chi tiết về quản lý đào, san lấp ao, hồ chứa nước. Bổ sung quy định, nguyên tắc việc áp dụng các biện pháp thu gom nước mưa, giảm ngập lụt ở các khu đô thị, khu tập trung dân cư;…

Phải khẳng định việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này là để cụ thể hóa các chính sách, thực sự coi nước là tài sản quốc gia, bảo đảm lợi ích của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu tài nguyên nước. Đây cũng là giải pháp để nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm sự hài hòa.

Với sự thay đổi của các cơ chế chính sách về xã hội hóa, về tài chính, hy vọng sẽ huy động được các nguồn lực xã hội “chung tay" bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khôi phục được các dòng sông “chết," bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước của các ngành; nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và các giá trị văn hóa gắn liền với nước của nhân dân Việt Nam.


Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước thống nhất và đồng bộ

Cùng với việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ TN&MT cũng đang gấp rút hoàn thiện Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia để làm cơ sở định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác sử dụng nước khác triển khai.

Phạm vi của Quy hoạch bao gồm các sông liên quốc gia, liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh trên toàn quốc và các đảo, cụ thể: 13 lưu vực sông lớn: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai và Cửu Long; các lưu vực sông nhỏ và nhóm các sông: sông Cái Ninh Hòa, sông Cái Nha Trang, nhóm các sông Quảng Ninh (Tiên Yên, Ba Chẽ), nhóm các sông Quảng Bình (Gianh, Nhật Lệ), nhóm các sông Quảng Trị (Thạch Hãn, Bến Hải), nhóm các sông vùng Đông Nam Bộ (Cái Phan Rang, Lũy, và sông Ray); Các đảo: Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. Đối tượng quy hoạch là nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, chất lượng nguồn nước các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát về mức độ gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng như sông Cầu (Thái Nguyên), sông Thị Vải (Đồng Nai), sông Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Dương). Trong bối cảnh đó, Quy hoạch tài nguyên nước là “chìa khóa" để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về nguồn tài nguyên này.

Quy hoạch dự báo, nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông cho các thời kỳ, giai đoạn 2025, 2030, 2050 và có xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nhận định, dự báo xu thế diễn biến mực nước dưới đất trên các lưu vực sông. Đặc biệt, Quy hoạch đã tính toán, phân tích, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu nước của tất cả các lĩnh vực và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông theo các tần suất nước các giai đoạn của quy hoạch. Kết quả này là cơ sở quan trọng để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch.

Đặc biệt, Quy hoạch đã xác định thứ tự ưu tiên, xác định các vấn đề chính của các lưu vực sông cần phải giải quyết khi thực hiện xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương lấy làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh chương trình, mục tiêu phát triển, cũng như các quy hoạch có hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khai thác hiệu quả  tài nguyên nước, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hội nhập khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, để khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi.

Bên cạnh đó, thanh kiểm tra việc xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây ô nhiễm nguồn nước và công bố công khai các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông để tạo áp lực xã hội là những biện pháp răn đe có hiệu quả.

 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường