Thứ nhất, đã xây dựng, hoàn thiện được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ đồng bộ, đầy đủ đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ. Đặc biệt ngày 14 tháng 6 năm 2018, Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, đã tập trung triển khai và cơ bản hoàn thành các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược, trong đó tiêu biểu là việc hoàn thành 02 dự án quan trọng liên quan đến thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm. Sản phẩm của 02 dự án này đã kịp thời cung cấp dữ liệu nền thông tin địa lý cho các bộ, ngành, địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin địa danh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ ba, bước đầu hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ với việc xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới trọng lực quốc gia, xây dựng mô hình geoid trên lãnh thổ Việt Nam, làm nền tảng để triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ thống nhất trên toàn quốc, liên kết hội nhập quốc tế, giải quyết các bài toán liên quan về khoa học trái đất, các ứng dụng trong định vị dẫn đường bằng vệ tinh.
Thứ tư, với việc triển khai các chương trình, đề án, dự án trong Chiến lược đã ứng dụng, triển khai các công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới như công nghệ thu nhận, xử lý ảnh viễn thám của Cộng hòa Pháp, công nghệ thu nhận, xử lý, dữ liệu định vị bằng vệ tinh của Châu Âu, công nghệ xử lý dữ liệu thông tin địa lý của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đo đạc bản đồ và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ từ trung ương đến địa phương đã từng bước được hoàn thiện đảm bảo đồng bộ, với đội ngũ cán bộ công chức có năng lực chuyên môn vững vàng, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, góp phần xứng đáng trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành tài nguyên và môi trường.
Thứ sáu, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ với các nước có trình độ phát triển hàng đầu thế giới như Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Nga… trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; tham gia chương trình chuẩn hóa địa danh, chương trình bản đồ toàn cầu của Liên Hợp Quốc; phối hợp và giúp đỡ Vương quốc Campuchia, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về phát triển công nghệ và tổ chức triển các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ, đặc biệt là hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên và môi trường Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2013 - 2018).