Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về làm việc với UBND tỉnh Hà Nam và dự lễ bàn giao dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện của Nhà máy xi măng Bút Sơn

Tin tức - Sự kiện Môi trường  
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về làm việc với UBND tỉnh Hà Nam và dự lễ bàn giao dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện của Nhà máy xi măng Bút Sơn
Mô hình kinh tế tuần hoàn đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Tại Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã nhấn mạnh chiến lược phát triển kinh tế xã hội gian đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, việc “quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu;… xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

        Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn là đơn vị thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam có 2 dây chuyền sản xuất bằng lò quay phương pháp khô, thiết bị đồng bộ, hiện đại, mức độ tự động hóa cao, sản xuất sản phẩm chất lượng tốt, ổn định và đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường. Công ty đã được Tổng công ty Xi măng Việt Nam định hướng chỉ đạo triển khai thực hiện đề tài đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.

        Từ năm 2019 đến năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Tổng Công ty, Công ty đã nghiên cứu, thiết kế xây dựng, lắp đặt hệ thống dây chuyền đồng xử lý chất thải tích hợp với hai dây chuyền sản xuất clinker. Sau khi vận hành thử nghiệm, báo cáo, đánh giá kết quả và nghiệm thu hệ thống đồng xử lý chất thải, Công ty đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp Giấy phép môi trường số 291/GPMT-BTNMT ngày 07/11/2022, cho phép sử dụng chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại làm nguyên, nhiên liệu thay thế và đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng. Khối lượng cho phép tiếp nhận và đồng xử lý 224.400 tấn chất thải nguy hại/năm, 179.000 chất thải rắn thông thường/năm và 500.000 tấn bùn tự nhiên/năm trên phạm vi toàn quốc.

        Được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, tháng 12/2019 Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn đã Quyết định đầu tư Dự án “Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện". Dự án được khởi công xây dựng ngày 09/02/2023. Dây chuyền 2 đã chạy thử phát điện vào ngày 21/11/2023 và dây chuyền 1 chạy thử phát điện ngày 01/12/2023.

Butson1.png

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và các vị đại biểu tham dự Lễ bàn giao

Butson2.png
Bộ trưởng thăm quan tại nhà máy xi măng Bút Sơn

        Sau khi dự Lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam. Tham dự buổi làm việc có Đồng chí Lê Thị Thủy – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, các đồng chí Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Butson3.png

Đồng chí Đặng Quốc Khánh làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam

        Trong buổi làm việc, được sự ủy quyền của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Phạm Chí Thống – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc, vấn đề thực tiễn tại địa phương trong thực hiện công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

        Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Hà Nam

 Butson4.png

Đồng chí Phạm Chí Thống – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tại Hội nghị​

        Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bên cạnh những kết quả đạt được địa phương hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, vấn đề thực tiễn tại địa phương cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tháo gỡ về các lĩnh vực: lĩnh vực đất đai (Đất nông trường Ba Sao; xác định đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích cấp xã; việc giao đất dịch vụ phi nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (đất 5%, đất 7%); về công tác lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi đất lúa của tỉnh,…); lĩnh vực khoáng sản (truy thu các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước như: thuế tài nguyên, phí BVMT, tiền cấp quyền KTKS…đối với khối lượng khoáng sản các doanh nghiệp khai thác ngoài ranh giới mỏ cho phép theo kết quả đo đạc, xác định khối lượng khoáng sản đã khai thác; rà soát vùng cấm hoạt động khoáng sản); lĩnh vực môi trường (vấn đề ô nhiễm nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, thu gom và xử lý chất thải; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường,…)./.