Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là quặng titan.
Trả lời kiến nghị này, Bộ TN&MT cho biết, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ngày càng được tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản đã đạt nhiều hiệu quả, góp phần đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản.
Tính đến nay, ngoài Luật Khoáng sản 2010, đã có 13 Nghị định và 6 Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hơn 60 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan về quản lý khoáng sản được ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân.
Trong đó tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản. Đặc biệt, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản, thanh tra trách nhiệm đối với các tổ chức hành chính và người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở chế biến công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bộ TN&MT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép
Ngoài ra, tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi được giao quyền khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn nội dung phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp, quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý.
Tiếp đó, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thuỷ văn; đo đạc bản đồ đã bổ sung thêm nhiều quy định về hành vi vi phạm, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm từ 2 đến 3 lần đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.
Riêng với khoáng sản titan, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản titan tại các địa phương có khoáng sản titan như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế... đồng thời đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án đầu tư trên các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật, Bộ TN&MT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như: phổ biến pháp luật về khoáng sản; đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm của Bộ nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên đề để xử lý các hành vi gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp với các địa phương để nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…