Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xử lý dứt điểm ô nhiễm trên các lưu vực sông

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Xử lý dứt điểm ô nhiễm trên các lưu vực sông
Dù chất lượng môi trường các lưu vực sông đã được cải thiện song ô nhiễm cục bộ vẫn đang tiếp diễn trên các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung dân cư, khu vực làng nghề, khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp. Làm gì để xử lý dứt điểm tình trạng này?

Triển khai nhiệm vụ cụ thể xử lý các điểm nóng

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai 03 Đề án lưu vực sông (LVS) là sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Sài Gòn- Đồng Nai. Kết quả quan trắc cho thấy, đa phần các lưu vực sông (LVS) lớn như LVS Hồng - Thái Bình và LVS Mã - Chu, LVS Cả - La, LVS Vu Gia -Thu Bồn và LVS Mê Công duy trì ở mức tốt đến rất tốt. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ vẫn diễn ra tại các điểm “nóng".

Tình trạng ô nhiễm qua các đợt quan trắc trong năm và chưa có dấu hiệu được cải thiện, điển hình như ô nhiễm trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu,  Sét… (Hà Nội), sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh - Bắc Giang, sông Bắc Hưng Hải, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật… Trên LVS Cầu, ô  xảy ra tại đoạn sông chảy qua làng nghề giấy Phong Khê (điểm cầu Đào Xá), sông Ngũ Huyện Khê đoạn giáp ranh giữa Bắc Ninh - Bắc Giang hay khu vực suối Loàng, cầu Bóng Tối đoạn qua Tp. Thái Nguyên....

Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn, khi vào nội ô Tp. Hồ Chí Minh là cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm), cầu Chữ Y (kênh Tàu Hũ - Bến Nghé), cầu An Lộc (kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật), ... cũng được xác định là ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ và dinh dưỡng, giá trị các thông số (DO, COD, BOD5, N-NH4+, N-NO2) đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt từ 2-4 lần.

Để xử lý các điểm ô nhiễm, Tổng cục Môi trường đưa ra nhiệm vụ cụ thể cho từng lưu vực sông. Cụ thể đối với LVS Cầu sẽ tập trung trước mắt vào kiểm soát các cơ sở xả thải lớn, thu gom, XLNT sinh hoạt và làng nghề. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ tiêu chưa hoàn thành, đặc biệt là tỷ lệ khu đô thị có hệ thống XLNT tập trung, trong đó cần hướng đến việc thu gom, xử lý triệt để lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các giải pháp, phương án để thu gom, XLNT sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán.

Đối với điểm nóng ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê, UBND tỉnh Bắc Ninh cần đẩy nhanh việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đưa công trình thu gom, XLNT tập trung của làng nghề Phong Khê vào hoạt động; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cho phép cơ chế đặc thù riêng đối với việc đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung của CCN Phú Lâm và CCN Phong Khê 2... Rà soát, xử lý ngay các điểm tập kết CTR không đúng quy định, đặc biệt các điểm dọc sông Ngũ Huyện Khê có nước rỉ rác chảy thẳng ra sông...

Đối với các dòng sông, đoạn sông đang bị ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Châu Giang: rà soát điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức quan trắc môi trường nước các sông trên địa bàn; rà soát các nguồn xả nước thải ra hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại nguồn và xử lý nghiêm các KCN, CCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề xả nước thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Đối với lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, - Đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các nguồn thải nhỏ và có tính chất phân tán, trọng tâm là kiểm soát nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn bề mặt, nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các nguồn thải phân tán khác. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nước thải công nghiệp từ các KCN, các cơ sở sản xuất có lưu lượng thải lớn (phân loại và kiểm soát các nguồn thải có lưu lượng từ 100 m3/ngày.đêm trở lên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày.đêm trở lên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BVMT.

​* Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt

Tổng cục cùng đã xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với 03 LVS theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật BVMT. Kế hoạch quản lý chất lượng nước là căn cứ pháp lý quan trọng, thay thế các Đề án BVMT LVS trong hoạt động BVMT, quản lý chất lượng nước tại các LVS. Đối với các sông liên tỉnh, Kế hoạch quản lý chất lượng nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ đưa ra yêu cầu chất lượng nước hài hòa, thống nhất trên toàn bộ dòng chính của sông; đánh giá khả năng chịu tải và công bố các đoạn sông không còn khả năng chịu tải; các biện pháp giảm phát thải nhằm cải thiện chất lượng nước; phân vùng xả thải thống nhất trên lưu vực; phân bổ hạn ngạch xả thải và giao trách nhiệm thực hiện nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nước cho các địa phương trên lưu vực và các bộ, ngành liên quan.

Tổng cục Môi trường cần sự chung tay của UBND cấp tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhiệm vụ BVMT LVS đã được phê duyệt; tăng cường công tác quản lý BVMT trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn xả thải vào LVS, không để phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường LVS thuộc địa bàn quản lý; thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đặc thù đã được đề cập tại mục IV, trong đó tập trung xây dựng các dự án xây dựng hệ thống thu gom, XLNT tập trung để thu gom, xử lý triệt để nước thải sinh hoạt từ khu dân cư và nước thải phát sinh từ làng nghề, CCN; phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TNMT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác định các dự án XLNT sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung ưu tiên để kêu gọi, thu hút đầu tư; tổ chức xây dựng và phê duyệt KHQLCLN sông nội tỉnh.

 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường