Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng chỉ số đổi mới sinh thái cấp tỉnh/thành phố cho Việt Nam

Tin tức - Sự kiện Môi trường  
Xây dựng chỉ số đổi mới sinh thái cấp tỉnh/thành phố cho Việt Nam
Đây là một nội dung của đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số đổi mới sinh thái (eco innovation index) hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam” do Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện.

Kinh nghiệm quốc tế và cách tiếp cận xây dựng bộ chỉ số đổi mới sinh thái

Chỉ số đổi mới sinh thái được áp dụng ở Châu Âu từ nhiều năm nay và bước đầu đã được áp dụng cho các nước ASEM (Diễn đàn hợp tác Á – Âu). Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đổi mới sinh thái nói chung và chỉ số đổi mới sinh thái còn là những thuật ngữ còn mới mẻ. Việc áp dụng đổi mới sinh thái, đặc biệt là tại các doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tác động đến bảo vệ môi trường, khả năng tăng trưởng và trở thành đòn bẩy phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện đang tồn tại 2 chỉ số về đổi mới sinh thái được kiến nghị sử dụng cho các quốc gia. Thứ nhất, đó là Chỉ số đổi mới sinh thái của ASEM (viết tắt là ASEI) do Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sinh thái cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (ASEIC) đề xuất và Bảng chấm điểm về đổi mới sinh thái (Eco-IS) do Bộ phận Quan sát về đổi mới sinh thái đề xuất. 

Chủ thể của Chỉ số ASEI và Bảng chấm điểm Eco-IS là Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Trong khi Chỉ số ASEI hướng tới các lĩnh vực về công nghệ và nền công nghiệp xanh thì Bảng chấm điểm Eco-IS hướng tới tăng trưởng xanh, tập trung tới các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, môi trường, nước và năng lượng. Đối với trường hợp của Việt Nam, chủ thể của chỉ số đổi mới sinh thái cũng sẽ là Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội và tùy theo khả năng thu thập nguồn số liệu, chúng ta có thể cân nhắc, lựa chọn sử dụng các lĩnh vực của cả hai chỉ số Chỉ số ASEI và Bảng chấm điểm Eco-IS.

Theo nghiên cứu năm 2016 của ASEIC và Viện Tài nguyên bền vững của trường Đại học London (Anh), mặc dù hai chỉ số ASEI và Eco-IS đều có thể phản sánh thực trạng và kết quả đổi mới sinh thái của quốc gia và có những điểm mạnh nhất định, song cả hai chỉ số đều còn tồn tại một số điểm yếu như: chưa bao quát hết các ngành/lĩnh vực đổi mới sinh thái như nông nghiệp, biến đổi khí hậu hay đất đai; xét về mối liên hệ với 17 mục tiêu PTBV toàn cầu (SDG) thì hai chỉ số này chủ yếu gắn với các mục tiêu PTBV số 7 (Năng lượng sạch và giá cả hợp lý), số 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững), số 9 (Xây dựng hạ tầng có khả năng chống chịu, thúc đẩy công nghiệp bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới), 12 (Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững) mà thiếu sự liên hệ tới các mục tiêu PTBV có liên quan khác.

Bên cạnh đó, nhiều thông tin/số liệu liên quan tới các chỉ thị liên quan tới hai chỉ số còn thiếu và chưa thể thu thập được. Đáng chú ý, mặc dù đã được áp dụng ở các nước châu Âu (với Eco-IS) và các nước ASEM (với ASEI) trong thời gian nhất định, song cả hai chỉ số này đều được áp dụng trong khung khổ các dự án và vẫn đang trong quá trình được hoàn thiện dần. Việc áp dụng chúng dường như vẫn mới trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.

“Do đó, Chỉ số đổi mới sinh thái áp dụng cho Việt nam cần được xem xét kỹ lưỡng và nên cân nhắc có nên áp dụng ngay trên phạm vi toàn quốc hay không. Tuy nhiên, trong giai đoạn ban đầu, có thể nghiên cứu xây dựng chỉ số này ở cấp tỉnh/thành phố và áp dụng thử ở phạm vi phù hợp trong một thời gian. Sau đó xem xét đến hiệu quả, tác động của nó, hoàn thiện dần rồi mới áp dụng chính thức", ông Tú cho hay.

Xây dựng khung bộ chỉ số cho các tỉnh/thành phố của Việt Nam

Theo dự thảo, bộ chỉ số đổi mới sinh thái cấp tỉnh/thàn phố được xây dựng dựa trên những nguyên tắc như đảm bảo tính khoa học, khả thi; đảm bảo phù hợp với hệ thống thống kê hiện hành, đặc biệt là hệ thống thống kê cấp tỉnh/thành phố; cần phản ánh đầy đủ nội dung, các nỗ lực của các bên liên quan trong đổi mới sinh thái của tỉnh/thành phố; thận trọng và từng bước áp dụng Chỉ số sinh thái cấp tỉnh/thành phố trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở cách tiếp cận và các nguyên tắc kể trên, việc xây dựng bộ Chỉ số đổi mới sinh thái và các chỉ thị kèm theo bộ Chỉ số này dựa vào các tiêu chí: Bảo đảm tính xác thực, phản ánh đúng và đầy đủ nội dung của đổi mới sinh thái ở cấp tỉnh/thành phố; đảm tính chính xác, đáng tin cậy; bảo đảm có thể tính toán, đo lường và so sánh được; không đòi hỏi quá tốn kém về tiền bạc, công sức, thời gian; bảo đảm được xây dựng và duy trì có hệ thống, sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thu thập, xử lý thông tin và bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin.

Chỉ số đổi mới sinh thái gồm 4 thành phần: Chỉ số năng lực đổi mới sinh thái; chỉ số môi trường hỗ trợ đổi mới sinh thái; chỉ số về hoạt động đổi mới sinh thái và chỉ số về kết quả đổi mới sinh thái. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề ra 27 chỉ thị để đo lường các nội dung cụ thể của các chỉ số thành phần.

Trong đó, chỉ số năng lực đổi mới sinh thái được xác định dựa trên năng lực về quản lý và điều hành của chính quyền địa phương; năng lực thực thi sáng tạo/đổi mới sinh thái về tài chính và con người; sự hiện diện của các doanh nghiệp/đơn vị/bộ phận hoạt động đổi mới sinh thái.

Chỉ số môi trường hỗ trợ đổi mới sinh thái xác định dựa trên nhận thức và nỗ lực của chính quyền địa phương trong thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới sinh thái; nhận thức và nỗ lực của doanh nghiệp/tổ chức thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới sinh thái.

Chỉ số về hoạt động đổi mới sinh thái là các hoạt động đổi mới sinh thái hướng tới phát triển bền vững; hoạt động về sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu và giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ xanh-sạch, thân thiện với môi trường trên địa bàn.

Chỉ số về kết quả đổi mới sinh thái là kết quả duy trì môi trường bền vững; hiệu quả sử dụng năng lượng, nguyên liệu đầu vào và giảm phát thải khí nhà kính; đóng góp của công nghệ/sản phầm/dịch vụ xanh, sạch, thân thiện với môi trường trong kết quả hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương.

Chỉ số đổi mới sinh thái chung có số điểm tối đa là 100, được xác định từ số điểm đạt được của các chỉ số thành phần hoặc từ số điểm đạt được của các chỉ thị thành phần và trọng số của chỉ thị thành phần.

Về nguyên tắc, trọng số của các chỉ số và chỉ thị thành phần của Chỉ số đổi mới sinh thái chung được xác định căn cứ vào mức độ ưu tiên, tầm quan trọng của các chỉ số và chỉ thị thành phần tạo nên Chỉ số đổi mới sinh thái của tỉnh/thành phố. Tại thời điểm hiện nay, có thể coi cả 4 chỉ thị thành phần tạo nên Chỉ số đổi mới sinh thái chung đều có mức độ quan trọng ngang nhau. Tức là, nếu như trọng số của Chỉ số sinh thái chung là 1,0 thì trọng số cho các chỉ số thành phần sẽ bằng nhau và ở mức 0,25.

Việc đánh giá Chỉ số đổi mới sinh thái cho cấp tỉnh/thành phố có thể được thực hiện hằng năm hoặc 2 năm một lần ở Việt Nam, đồng thời xếp hạng theo thứ tự số điểm chỉ số đổi mới sinh thái mà các tỉnh/thành phố đạt được.

​ 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường
Tin liên quan