Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật tài nguyên môi trường

Tin hoạt động  
Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật tài nguyên môi trường
Doanh nghiệp và doanh nhân luôn là đối tượng được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp phát triển.

Trên thực tế, đây là một trong những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; do vậy, trong quá trình xây dựng văn bản, lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân thường chiếm tỷ lệ khá cao trong thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập. Ngoài ra, trong các Hội thảo, Hội nghị, Diễn đàn tham vấn ý kiến, đối tượng doanh nghiệp và doanh nhân được lấy ý kiến rất kỹ lưỡng thông qua nhiều hình thức khác nhau: qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua các Hiệp hội, Hội nghề nghiệp hoặc trực tiếp với một số doanh nghiệp và doanh nhân có liên quan để doanh nhân được tham gia, thảo luận, góp ý đối với nội được quy định trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức như: gửi công văn lấy ý kiến, mời họp thảo luận, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ nhằm đảm bảo tính khả thi của quy định khi triển khai trên thực tế.

Đối với lĩnh vực đất đai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan hữu quan giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 để trình Quốc hội. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là doanh nhân (với tư cách là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng đất). Việc tổ chức lấy ý kiến doanh nhân được kết hợp cùng với việc lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của dự án Luật với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức các hội thảo, tọa đàm, gửi văn bản góp ý, lắng nghe ý kiến doanh nhân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… Nhiều doanh nhân đã trực tiếp gửi ý kiến góp ý vào dự thảo Luật hoặc thông qua các hiệp hội doanh nhân, VCCI để có ý kiến với Ban soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thông qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nhân có quyền tham gia ý kiến bằng nhiều hình thức đối với dự án Luật. Các ý kiến góp ý của doanh nhân và các tầng lớp nhân dân được tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự án Luật báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội thông qua.

Ngay sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực (ngày 01 tháng 7 năm 2014). Cụ thể, lần đầu tiên trong công tác xây dựng luật pháp, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đất đai để có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Đến thời điểm hiện nay, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Luật Đất đai, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định (trong đó có 11 nghị định ban hành mới, 07 nghị định sửa đổi, bổ sung và 02 nghị định ban hành thay thế); Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 văn bản quy phạm pháp luật; các Bộ, ngành đã ban hành 64 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 39 thông tư. Nhìn chung, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được trình ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo kịp thời có hiệu lực ngay khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành; khắc phục được tình trạng luật chờ các văn bản hướng dẫn.

Trong quá trình tổ chức xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đất đai giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến, đăng công báo trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để cá nhân, tổ chức (trong đó có doanh nhân) tham gia đóng góp ý kiến. Tùy theo nội dung của dự thảo nghị định, thông tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề để lấy ý kiến các doanh nghiệp hoặc mời đại diện doanh nghiệp tham gia ý kiến tại Hội đồng thẩm định các thông tư do Bộ ban hành.

Đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, trong năm 2021, thực hiện nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu, ngoài việc lấy ý kiến của VCCI theo đúng quy trình xây dựng văn bản, để bảo đảm tính hợp lý, khả thi cũng như bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật, đã phối hợp với VCCI đồng chủ trì tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham vấn từ đại diện của nhiều doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, qua đó đã tiếp thu được nhiều ý kiến thiết thực, quan trọng để hoàn thiện dự thảo Nghị định và xây dựng các văn bản có liên quan.

Đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ, đến nay, có khoảng gần 1.900 tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ, trong đó có 1563 doanh nghiệp ngoài nhà nước và hơn 200 đơn vị sự nghiệp do các Bộ, ngành ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Trong quá trình xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch về đo đạc và bản đồ đã thực hiện lấy ý kiến tham vấn của các doanh nghiệp có liên quan và đề nghị các doanh nghiệp có liên quan cử cán bộ có chuyên môn cùng tham gia xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật, chiến lược theo quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực biển và hải đảo, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Nghị định 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP; Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định 41/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết việc cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, thu hồi văn bản cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; Quyết định 1570/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 2295/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các Thông tư quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, đảo.

Đối với lĩnh vực tượng thủy văn, Thông tư quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường; Thông tư quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm; Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng; Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo thủy văn; Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hải văn; Thông tư ban hành Định mức kinh tế-kỹ thuật công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo lũ; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới; Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Đánh giá chất lượng dự báo các yếu tố khí tượng; Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Đánh giá chất lượng dự báo các yếu tố thủy văn. Tất cả các ý kiến góp ý, thông tin, tư liệu nhằm bổ sung, hoàn thành các dự thảo văn bản đặc biệt là các ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn được tổng hợp, phân tích đánh giá, tiếp thu giải trình đầy đủ từ đó các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao; phục vụ thực tiễn công tác quản lý khí tượng thủy văn, cũng như phổ biến đến doanh nghiệp, cộng đồng.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nướctừ khi Luật Tài nguyên nước được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 44 văn bản pháp luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật TNN năm 2012), đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước đang có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu và gia tăng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở cả trong nước và các quốc gia ở thượng nguồn các sông suối xuyên biên giới với nước ta, cụ thể như sau:

Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về tài nguyên nước, trong đó: 09 Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2015 Quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2018 sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2018 Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất; Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước); 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020 và Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2014 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước). Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 34 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Đối với lĩnh vực địa chất khoáng sảnngay sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng yếu. Triển khai nội dung xây Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản; các nghị định, thông tư, quy định; xây dựng Chiến lược khoáng sản đến 2030 tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản… được Bộ quan tâm chỉ đạo. Trong đó, việc tham gia góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện bình đẳng, công khai dưới nhiều hình thức thông qua các cuộc hội thảo, lấy ý kiến trên các trang điện tử của Bộ với mục tiêu xây dựng văn bản quy phạm, pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với thực tế và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong nước và nước ngoài đang hoạt động khoáng sản ở Việt Nam.

Đối với lĩnh vực môi trường, việc xây dựng và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong suốt giai đoạn 2011 - 2021 vừa qua có 02 dấu mốc lớn là: (i) việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014), kèm theo các văn bản hướng dẫn thi hành và (ii) việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020) sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2022 tới đây, kèm theo một loạt các văn bản quy định chi tiết thi hành đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tích cực soạn thảo nhằm kịp thời có hiệu lực cùng với Luật.

Với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập có đại diện của VCCI và có tới 07 Hiệp hội, Hội nghề nghiệp. Bộ đã phối hợp với VCCI tổ chức riêng 01 Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân đối với dự thảo Nghị định vào ngày 14 tháng 7 năm 2021, với sự tham gia của trên 50 điểm cầu (doanh nghiệp,cùng với địa phương và chuyên gia là 03 nhóm đối tượng lấy ý kiến chính thông qua Hội thảo tham vấn).

Ngoài các văn bản luật, văn bản dưới luật thì nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được triển khai thực hiện từ năm 2018-2020. Trong quá trình xây dựng, đã tổ chức tham vấn các bên liên quan, trong đó có một số đại biểu đến từ doanh nghiệp và hiệp hội đã chia sẻ ý kiến về phát triển dịch vụ khí tượng, thủy văn, thị trường các-bon cũng như hợp tác đào tạo, xây dựng và khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường. Nội dung của Chiến lược được xác định tập trung vào 3 nhóm trụ cột chính gồm (i) tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương; (ii) xây dựng và phát triển nguồn nhân lực và (iii) đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Theo đó, một số giải pháp liên quan đến xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có đề cập đến hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và khu vực tư nhân trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, đào tạo cán bộ. Ngoài ra một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cũng cần sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân.

Như vậy, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng đòi hỏi thực tế của công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách về thuế hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

​ 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường