Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tự động hóa quan trắc, nâng độ tin cậy của bản tin dự báo

Tin tức - Sự kiện Khí tượng - Thủy văn  
Tự động hóa quan trắc, nâng độ tin cậy của bản tin dự báo
Phát triển mạng lưới quan trắc, nâng độ tin cậy của bản tin dự báo là 2 trụ cột quan trọng của lĩnh vực khí tượng thủy văn (KTTV). Trong một thập kỷ qua, mạng lưới quan trắc được đan dày và tự động hóa; việc dự báo được ứng dụng nhiều công nghệ mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong phòng chống thiên tai.

* Chuyển dần từ đo thủ công sang tự động

Hình ảnh những quan trắc viên khí tượng đội mưa gió, vượt bão lũ để đo và ghi nhận từng số liệu gió, dữ liệu mưa, mực nước hay lưu lượng không còn quá xa lạ trên truyền thông những năm qua. Đó là công việc đầy nguy hiểm nhưng vô cùng cần thiết, đặc biệt trong thời gian bão, lũ thiên tai xảy ra.

Giờ đây, các quan trắc viên KTTV đã bớt đi nhiều những gian khó ấy khi mạng lưới quan trắc được chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, đến năm 2020, mạng lưới quan trắc quốc gia đã có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; gần 2000 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm/điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 06 trạm thám không vô tuyến, 08 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 03 trạm đo tổng lượng Ôzôn - Bức xạ cực tím và 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét.

Đặc biệt, các công nghệ quan trắc mới như ra đa, đo mưa tự động được đưa vào sử dụng để ghi nhận được nhiều dữ liệu hơn, nhanh hơn và đặc biệt bớt nhiều phần nguy hiểm cho quan trắc viên.

Hiện nay, với hệ thống 10 trạm ra đa thời tiết được nâng cấp, đầu tư, ngành KTTV có thể giám sát cấu trúc bão, đặc điểm các cơn bão, áp thấp nhiệt đới khi tiến vào gần đất liền, qua đó có thể cảnh báo chính xác hơn cường độ, hướng di chuyển của bão cũng như khả năng gây mưa lớn, gió mạnh đến các khu vực ven bờ và sâu trong đất liền. Với hệ thống ra đa này, Việt Nam đã từng bước nâng cao được chất lượng cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá hạn cực ngắn khi kết hợp với phân tích kết quả mô hình số trị và hệ thống 18 trạm định vị sét mới được đầu tư và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019.

Mạng lưới đo mưa tự động với gần 2000 điểm được đầu tư thay thế mạng lưới đo mưa nhân dân là một trong những bước tiến rõ rệt của ngành KTTV khi áp dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, chuyển đổi số. Hiện nay, dù chưa được như yêu cầu thực tiễn nhưng với mạng lưới đo mưa tự động phủ khắp toàn quốc đã góp phần nâng cao hiệu quả trong cảnh báo nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Mạng lưới quan trắc đo mặn, giúp công tác dự báo và giám sát hạn mặn được chủ động và hiệu quả hơn so với trước đây. Minh chứng rõ nhất là chúng ta đã cảnh báo sớm được tình trạng hạn mặn đặc biệt nghiêm trọng trong một số năm qua, góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại về kinh tế, môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc đầu tư nâng cấp tự động hóa các trạm quan trắc KTTV những năm qua giúp ngành KTTV có thể thu nhận nhanh các thông tin hiện trạng để đưa ra các cảnh báo, dự bá, đặc biệt là dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, dông, lốc, bão và áp thấp nhiệt đới.

New Picture (28).png

Một số sản phẩm giám sát và dự báo bão, áp thấp nhiệt đới bằng radar và mô hình số trị tại Việt Nam

* Cảnh báo sớm, nâng độ tin cậy của thông tin dự báo

Một thập kỷ qua ghi nhận những nỗ lực của ngành khí tượng thủy văn trong việc nâng chất lượng dự báo, thể hiện rõ nét qua việc có thể dự báo xa và nâng độ chính xác của thông tin.

Đối với dự báo thời tiết, ngành KTTV mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa cũng được mở rộng hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (ban hành 2 lần/ năm).

Dự báo, cảnh báo mưa lớn có thể thực hiện trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông, cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%.

Đối với bão/ áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), giai đoạn đầu những năm 2000, ngành KTTV vẫn chỉ dự báo 24 giờ, nhưng đến hiện tại đã nâng dự báo bão/ ATNĐ lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày. Có thể kể đến bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã có độ chính xác dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giảm sai số từ 250-300 km trước những năm 2010 ở hạn dự báo 48h xuống khoảng 120-150 km trong những năm gần đây.

Chất lượng dự báo thủy văn hàng ngày đạt 80-85%; hạn vừa đạt từ 75- 80%; hạn dài đạt 65-70%. Công tác dự báo, cảnh báo lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hiện tượng hạn hán và tình trạng xâm nhập mặn đáp ứng tốt những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện phục vụ công tác dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai cho các tỉnh và người dân khu vực khi có mưa lớn.

Riêng dự báo hải văn, từ năm 2016 đã có những đổi mới vượt bậc do tiếp thu các công nghệ mới của nước ngoài. Độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4 km, và dự báo sóng theo cả phương án tất định và tổ hợp, thời hạn dự báo đến 10 ngày. Nước dâng và ngập lụt do nước dâng bão dựa trên mô hình tích hợp SuWAT với nhiều kịch bản về quỹ đạo di chuyển của bão, nước dâng do bão có tính đến ảnh hưởng của sóng, thủy triều nên đã nâng cao được độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo nước dâng bão. Đối với dự báo dòng chảy biển, nhiệt độ và độ mặn nước biển, mô hình mã nguồn mở ROMS3D được thiết lập chạy trên hệ thống siêu máy tính Cray XC40 đã cho phép đưa ra thông tin dự báo đến 10 ngày cho các vùng biển. Công nghệ dự báo về quỹ đạo vật thể trôi, lan truyền ô nhiễm cũng được xây dựng dựa trên các mô hình mã nguồn mở, phần mềm của nước ngoài.


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường