Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối về quản lý chất thải rắn

Tin tức - Sự kiện Môi trường  
Thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối về quản lý chất thải rắn
Từ năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

Nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa tại nhiều văn bản chỉ đạo. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo chủ động xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch bệnh, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp trong xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19; kịp thời hướng dẫn các địa phương xử lý chất thải trong phòng chống dịch Covid-19.

Với định hướng xử lý CTR tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình, Cần Thơ... Điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ chôn lấp CTR sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước). Nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai 08 dự án với công suất xử lý 11.100 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 157MW. Một số địa phương đã đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Điển hình là thành phố Cần Thơ đã đưa Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ vào hoạt động với công suất xử lý CTR sinh hoạt 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 60 triệu Kwh/năm; thành phố Hải Phòng đã vận hành nhà máy xử lý CTR Tràng Cát với công nghệ sản xuất rác thải thành phân bón hữu cơ với công suất xử lý 200 tấn rác và 40 tấn bùn/ngày.

Theo số liệu thống kê, đến nay, tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,28% (tăng 11,28% so với năm 2016); tại khu vực nông thôn đạt khoảng 66% (tăng 16% so với năm 2016) ; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 70%.

​ 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường
Tin liên quan