Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tài nguyên đất trước ảnh hưởng của BĐKH

Tin tức - Sự kiện Khí tượng - Thủy văn  
Tài nguyên đất trước ảnh hưởng của BĐKH
Việt Nam là một trong năm nước bị uy hiếp nhiều nhất bởi sự biến đổi khí hậu (BĐKH) do có hơn 75% dân số sống dọc theo bờ biển dài hơn 3260 km. Trong đó, tài nguyên đất là một trong những đối tượng chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH.
Nhận diện các ảnh hưởng
Thực tế, BĐKH là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đất đai. Khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đất thể hiện ở lượng nước mưa và nhiệt; ảnh hưởng gián tiếp thông qua sinh vật. BĐKH gây rối loạn chế độ mưa, nguy cơ nắng nóng nhiều hơn… làm cho lượng dinh dưỡng trong đất bị mất cao hơn, hiện tượng xói mòn, khô hạn nhiều hơn. Nước biển dâng, thiên tai, bão lũ gia tăng sẽ làm tăng hiện tượng nhiễm mặn, ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển… dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên đất.
Việt Nam là một quốc gia được xếp vào loại khan hiếm đất, bình quân đất đầu người xếp thứ 159 và chỉ bằng khoảng 1/6 bình quân của thế giới. Những thay đổi về điều kiện thời tiết (nhiệt độ, lượng mưa, hiện tượng khí hậu cực đoan…) đã làm diện tích đất bị xâm nhập mặn, khô hạn, hoang mạc hóa, ngập úng, xói mòn, rửa trôi, sạt lở… xảy ra ngày càng nhiều hơn. Sự không đồng nhất về địa hình, địa mạo, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội đã tạo nên những vùng lãnh thổ đặc trưng, đồng thời cũng gặp phải những tác động của sự thay đổi các yếu tố khí hậu đến tài nguyên đất khác nhau.
Hiện, BĐKH đã ảnh hưởng tới tài nguyên đất qua một số loại hình thường thấy như đất bị xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền, độ mặn tăng cao và thời gian ngập mặn kéo dài. Đó là hậu quả của các yếu tố: nước biển dâng cao; lưu lượng nước sông trong mùa khô ít đi do rừng thượng nguồn ở các nước đầu nguồn thuộc lưu vực sông bị tàn phá nặng nề...
Đơn cử thời điểm đến tháng 9/ 2020, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công ở mức rất thấp; Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước.
Hiện tượng nhiễm mặn ở vùng ven biển lớn hơn nhiều ở các khu vực khác. Nước mặn xâm nhập sâu kết hợp với suy giảm nguồn nước ở hạ lưu đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, hiện tượng đất bị khô hạn và hoang mạc hóa do sự phối hợp không hài hòa giữa chế độ nhiệt và chế độ mưa tạo nên sự khắc nghiệt có khả năng thúc đẩy các quá trình hạn hán, hoang mạc hóa của đất. Nguy cơ nắng nóng và đất đai bị khô cằn nhiều hơn làm giảm năng suất trồng trọt.
Chưa kể đất bị khô hạn do sự thay đổi nhỏ của nhiệt độ và lượng mưa có thể ảnh hưởng lớn tới đất đai. Hạn hán đã gây thiệt hại nhiều mặt cho các vùng Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Hạn hán kéo dài, làm tăng nguy cơ cháy rừng và làm suy giảm đáng kể sức sản xuất của đất.
Xói lở bờ biển ở hầu hết bờ biển nước ta đang bị xói lở với cường độ vài mét chục mét mỗi năm. Xu hướng dâng lên của mực nước biển trong những năm gần đây cũng góp phần gây ra sụt lở mạnh hơn. Ngoài ra, sự tăng dòng chảy sông cũng là một nguyên nhân gây xói lở, nhưng thường xảy ra vào mùa mưa và chỉ ảnh hưởng ngắn hạn.
Cuối cùng là sạt lở đất ở ven sông và vùng cao là một vấn đề xẩy ra thường xuyên ở Việt Nam. Dọc theo các hệ thống sông vào mùa mưa lũ, có hiện tượng sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều nơi, đặc biệt ở phần hạ lưu các con sông Hồng, Cửu Long, Trà Khúc, Ba... Những nơi có độ dốc cao, tầng đất không dày, sâu trên 1 m đã gặp những tầng đá vụn, đất không bám được vào lớp đá vụn phía dưới bị bong ra, lở xuống xuống phía dưới theo trọng lực.
Giải pháp nào để giảm nhẹ, thích ứng
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, nhận thức rõ tính nghiêm trọng của BĐKH, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP21) năm 2015.
Theo đó, các bên tham gia Thỏa thuận có trách nhiệm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH. Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg. Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra phân theo 3 nhóm, tập trung vào 7 nhóm, lĩnh vực: Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nguồn lực; Nông nghiệp; Phòng chống thiên tai; Môi trường và đa dạng sinh học; Tài nguyên nước; Cơ sở hạ tầng; các lĩnh vực khác, gồm sức khoẻ cộng đồng, lao động - xã hội, văn hoá-  thể thao - du lịch. Các lĩnh vực được lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ tác động của BĐKH và mục tiêu của kế hoạch thích ứng quốc gia; không phân chia nhiệm vụ theo bộ, ngành để tránh sự trùng lặp, chồng lấn trong các lĩnh vực.
Cụ thể là, nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra. Trong đó, có việc giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng, định kỳ cập nhật kịch bản BĐKH, xây dựng các kịch bản về tác động, tổn thất và thiệt hại, thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia và công cụ hỗ trợ quản lý, xây dựng các cơ chế, chính sách huy động và phân bổ nguồn lực về tài chính…
Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH với 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó, có việc cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chú trọng giải pháp quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức địa phương trong phòng tránh thiên tai, triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…
Theo Bộ tài nguyên và Môi trường