Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường: Góc nhìn toàn diện hơn

Tin tức - Sự kiện Môi trường  
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường: Góc nhìn toàn diện hơn
Môi trường là nền tảng cho phát triển, ngược lại phát triển kinh tế tạo điều kiện cho cải thiện và bảo vệ môi trường (BVMT), nâng cao chất lượng môi trường, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tăng trưởng kinh tế khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Chúng ta cần làm gì để giải quyết hài hòa mối quan hệ này?

Phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT

Ngay từ năm 1998, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Ngay những dòng đầu tiên, Chỉ thị đã nêu rõ: “BVMT là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới".

Vấn đề này cũng được nhấn mạnh trong Văn kiện cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó, xác định phương hướng cơ bản phát triển đất nước là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, BVMT" và định hướng “Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia".

New Picture (16).png

Cụ thể hóa Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nêu rõ quan điểm “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu". Chiến lược đặt ra yêu cầu nâng cao ý thức BVMT, gắn nhiệm vụ, mục tiêu BVMT với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và BVMT. Đưa nội dung BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các chương trình, dự án. Các dự án đầu tư xây dựng mới phải bảo đảm yêu cầu về BVMT. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.

Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn đối với các công cụ kinh tế cho BVMT nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn để điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại cho môi trường và được hưởng lợi từ môi trường dựa trên những nguyên tắc của thị trường. Bên cạnh đó, những cơ chế tài chính khác được hoàn thiện, bổ sung thêm trong Luật BVMT 2020 như quỹ BVMT, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để tạo ra một cơ chế khá đầy đủ hướng đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường và người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc BVMT thông qua các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính.

Gia tăng xung đột

Mặc dù, chủ trương của Đảng là phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước để đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều lúc việc BVMT đã bị xem nhẹ, những nguyên tắc để đảm bảo phát triển bền vững đã không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Điều này khiến xung đột giữa phát triển kinh tế và BVMT đang gia tăng.

Trước hết, xung đột trong các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, BVMT, quản lý tài sản công… dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi ở địa phương. Cùng với đó, nhu cầu về tài nguyên cho phát triển kinh tế ngày càng tăng, trong khi khả năng cung ứng là hạn chế và đang bị suy giảm, suy thoái, nhất là tài nguyên đất, nước, rừng, tài nguyên biển đòi hỏi phải tính toán, quy hoạch, sử dụng hợp lý cho các nhu cầu, gắn với nâng cao hiệu quả, phát triển kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Có thể nói, ô nhiễm do tác động tích lũy từ quá trình phát triển đã chạm ngưỡng chịu tải của môi trường; lượng phát thải ra môi trường ngày càng tăng, riêng chất thải rắn trung bình mỗi năm tăng 10 - 16%, trong khi, tỷ lệ được tái chế còn thấp; chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có xu hướng giảm. Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn rất lớn… Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, trong tương lai nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% GDP tăng, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho cả hiện tại và tương lai.

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và BVMT, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần chuyển dần từ “kinh tế đường thẳng" sang “kinh tế tuần hoàn" (KTTH). Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Để thực hiện mô hình KTTH ở nước ta, cần các giải pháp phù hợp như: Triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển mô hình KTTH từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, triển khai mô hình, tiêu chí của mô hình KTTH, từ đó, lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam và phổ biến rộng rãi. Tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công KTTH Các mô hình KTTH gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0...

Tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, người dân nhất là khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ thực hiện phát triển các lĩnh vực thuộc KTTH, xác lập rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển KTTH.

Giải quyết hài hòa mối quan hệ

Đối với Việt Nam, ưu tiên trước hết là chất thải nhựa và túi ni lông phải thực hiện và đưa vào kế hoạch 5 năm tới để giải quyết triệt để, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường dựa trên cơ sở phát triển KTTH. Vấn đề cần phải giải quyết ngay từ giai đoạn đầu thiết kế sản phẩm, phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế. Phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân.

Đáng chú ý, hiện nay, nội dung phát triển mô hình KTTH đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Kinh nghiệm các nước đã và đang thực hiện mô hình KTTH đều có luật và quy định pháp lý rõ ràng. Chúng ta cần sớm triển khai văn bản dưới luật quy định lộ trình, cách thức tiến hành thực hiện tạo cơ chế khuyến khích phát triển mô hình KTTH phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Phát triển KTTH cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn như khu công nghiệp sinh thái trong ngành công nghiệp, mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC), mô hình vườn - Rừng - Ao - Chuồng (VRAC)... từ đó, bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng.

Phát triển KTTH ở Việt Nam đòi hỏi phải hiểu rõ bản chất và luận cứ được cách thức phát triển này. Để phát triển KTTH cần tổng kết, đánh giá những mô hình phát triển đã có đối với các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, du lịch, từ đó, nhận dạng những cách thức phát triển.


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường
Tin liên quan