Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát huy hiệu quả tài nguyên của đất nước

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Phát huy hiệu quả tài nguyên của đất nước
Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, quản lý hoạt động khoáng sản từ Trung ương đến địa phương; xử lý nghiêm các vi phạm đã phát huy hiệu quả trong việc khai thác hiệu quả tài nguyên của đất nước.

Cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc quy hoạch và quản lý quy hoạch trong khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là trong công tác quy hoạch, cấp phép và quản lý khai thác các mỏ đất đá gắn với các chế tài bảo vệ môi trường.

* Quyết liệt xử lý các kiến nghị của cử tri

Trả lời vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, thời gian vừa qua, việc cấp phép hoạt động khoáng sản của Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tuân thủ theo đúng quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật liên quan, trong đó đã tuân thủ theo đúng quy hoạch khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có trường hợp cấp phép không theo quy hoạch. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động khoáng sản từ Trung ương đến địa phương ngày càng được tăng cường; qua thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, các cơ quan chức năng đã ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, một số vụ việc vi phạm lớn đã được chuyển cơ quan công an khởi tố, điều tra theo quy định.

6.45.png

Phát huy hiệu quả trong khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý các nội dung kiến nghị của cử tri nói chung và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép nói riêng, cụ thể: Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định; 06 Quyết định và 03 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 62 Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan. Các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản dưới Luật quy định ngày càng chặt chẽ, minh bạch và bền vững, là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong công tác bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản.

Tại các Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản, thanh tra trách nhiệm đối với các tổ chức hành chính và người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, các cơ sở chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, tại Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành liên quan và Ủy bản nhân dân cấp tỉnh để triển khai thực hiện các quy định mới của 05 Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản đã được ban hành.

* Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung và khai thác cát, sỏi trái phép nói riêng.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định: 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012. Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi được giao quyền khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại Chương III; hướng dẫn nội dung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý.

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế các Nghị định số: 142/2013/NĐ-CP và 33/2017/NĐ-CP); Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ, theo đó nội dung Nghị định đã bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm từ 2 đến 3 lần, đặc biệt đã quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác cát, sỏi và đã tăng mức xử phạt cao nhất theo quy định nhằm đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.

Mặt khác, Bộ đã thực hiện nhiều hình thức phổ biến pháp luật về khoáng sản; đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên đề để xử lý các hành vi vi phạm gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp với các địa phương để nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Về phía các địa phương, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập và phê duyệt quy hoạch khoáng sản; ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, phê duyệt kế hoạch hoặc phương án bảo vệ khoáng sản, quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý khoáng sản trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành chức năng của tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất các hoạt động khoáng sản, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy hoạch và tuân thủ quy hoạch.

* Các Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc bảo vệ, khai thác khoáng sản bền vững

Để làm tốt hơn công tác bảo vệ khoáng sản, quản lý quy hoạch trong khai thác tài nguyên khoáng sản, Bộ TN&MT cho rằng trong thời gian tới các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nội dung nhiệm vụ quy định cụ thể trong Nghị định số 23/2020/NĐ-CP; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây bức xúc dư luận; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại các Nghị định: số 36/2020/NĐ-CP; số 04/2022/NĐ-CP. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản mới theo quy định của Luật Quy hoạch, triển khai quy hoạch theo đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và có biện pháp chống tái diễn việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép. Phát huy vai trò giám sát của người dân, của cộng đồng đối với chính quyền và với doanh nghiệp; của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới; tăng cường giám sát quá trình khai thác của các doanh nghiệp theo đúng Giấy phép và các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là nơi có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới môi trường. Đẩy mạnh việc xây dựng và trình phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch (trong đó quy hoạch khoáng sản của tỉnh đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh). Tăng cường công tác thanh tra.

 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường