Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phải kiểm soát chặt nước thải sinh hoạt ra lưu vực sông Nhuệ - Đáy

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Phải kiểm soát chặt nước thải sinh hoạt ra lưu vực sông Nhuệ - Đáy
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, để khắc phục tình trạng ô nhiễm các dòng sông, quan trọng nhất là kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt nước thải sinh hoạt.

Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, một số Nghị quyết của nhiệm kỳ khóa XIII.

Đây là hoạt động chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV (diễn ra trong các ngày 6, 9 và 10/11), nhằm đánh giá toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội thời gian qua.

Trả lời đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) về ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng ô nhiễm là thực trạng chung không chỉ đối với lưu vực sông này mà còn của nhiều lưu vực sông khác do nước thải chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Bộ trưởng cho biết, các cơ quan quản lý đã đánh giá và nhận diện được các nguồn thải trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Các nguồn thải chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sinh hoạt diễn ra trong hầu hết các lưu vực, từ nguồn thải của các tỉnh, thành phố của sông Nhuệ - Đáy.

Hiện nay, Chính phủ cũng như các địa phương đã đầu tư trên 20.000 tỷ để thực hiện, giám sát đầu tư các trạm quan trắc môi trường trên địa bàn, như Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình đã đầu tư xử lý nạo vét, cũng như trồng lại rừng đầu nguồn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bài toán quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát nước thải sinh hoạt thông qua việc thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra các sông, còn với các khu công nghiệp, làng nghề ở Hà Nội thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư đã bước đầu được đầu tư hệ thống xử lý; dự kiến năm 2021, một số công trình sẽ hoàn thành.

Hiện nay, ở Hà Nam, cũng đầu tư 3 trạm xử lý nước thải. Còn ở Nam Định, tăng vốn đầu tư để đầu tư các trạm xử lý về nước thải đối với các công trình chất thải rắn, đầu tư các trạm để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

Đồng thời với việc đầu tư các trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường, cần bổ cập nước để tạo dòng chảy thông qua trạm bơm, cống Thanh Liệt, trạm bơm Yên Sở.

Về lâu dài cần thực hiện nghiêm túc theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó, đối với những khu vực quá tải, kiên quyết không cho nước thải ra, xây dựng cơ chế đối tác công tư để xử lý nước thải sinh hoạt.​


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường