Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngày Nước thế giới 2021 (22/3): Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về giá trị của nước

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Ngày Nước thế giới 2021 (22/3): Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về giá trị của nước
Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của nước trên toàn thế giới. Hiện nay, còn 2,2 tỷ người đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. Do vậy, các quốc gia cần phải có những hành động mang tính toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nước nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 6: “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”. Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí để làm rõ hơn về Chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay.

Phóng viên: Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Sự phát triển kinh tế và dân số toàn cầu ngày càng tăng đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng ngày càng cần nhiều nước hơn cũng đồng nghĩa với việc nước ngọt tiếp tục trở nên khan hiếm, suy giảm. Vậy, Việt Nam có nằm trong trình trạng này không, thưa bà? 

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh: Việt Nam có 108 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên nên thường được nhận định là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào với tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm. Trong bối cảnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng. Đồng thời, trong những năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc khai thác sử dụng nước trên các sông liên quốc gia, nhất là trên lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng. Đặc biệt, hoạt động đắp đập, chặn dòng, xây dựng công trình thủy điện và vận hành của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước của nước ta.


New Picture (11117).png
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh 

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam: Hồng-Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ. Giá trị kinh tế của nước chưa được phân bổ đồng đều cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau, chẳng hạn như còn các cơ chế miễn phí, ưu đãi đặc biệt cho sử dụng nước cho nông nghiệp - là hộ sử dụng nước có tiêu hao lớn nhất dẫn đến sử dụng nước còn lãng phí, không hiệu quả. 
Theo tính toán, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đôla, thấp hơn Lào 2,53 USD. Giá trị của nước không được nhận thức đúng đắn dẫn đến tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí.

Phóng viên: Chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm 2021 nhấn mạnh về giá trị của nước, nâng cao vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh. Bà có thể nói rõ những nội dung chính và ý nghĩa của chủ đề năm nay? 

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh: Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2021 được chọn là “Giá trị của nước" nằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh. 

Việc chúng ta nhận thức về giá trị của nước sẽ quyết định nước được quản lý và chia sẻ như thế nào đó là nội dung chính của chủ đề năm nay. Thực tế, ngoài các giá trị nước mang lại cho mọi người như nước sạch, vệ sinh hoặc cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ thì nước còn có các giá trị về sức khỏe, môi trường, văn hóa, đời sống xã hội và tâm linh mà các giá trị này ít hoặc không được chú ý đến. Do vậy, giá trị của nước nhiều hơn rất nhiều so với giá thành của chúng, nhiều giá trị không thể ước tính bằng tiền tệ mà lại vô cùng quan trọng với cuộc sống con người; việc xác định đầy đủ giá trị của nước tùy vào mục đích sử dụng nước giúp chúng ta quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên này.
Thông qua các thông điệp này Ngày Nước thế giới năm 2021 nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách tăng cường thực hiện các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu. Theo đó, nhấn mạnh giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững. 

Phóng viên: Xin bà cho biết về các hoạt động Chào mừng Ngày Nước thế giới năm nay?

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh: Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19, tại Việt Nam, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người trong nước khi không cần thiết nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn tổ chức các hoạt đượng hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2021 theo hướng kết hợp: Vừa tổ chức các hoạt động thực tiễn cụ thể ở quy mô ít người vừa đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa cao. Trong đó, Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các hoạt động phù hợp hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2021, cụ thể như sau:

Một là, tổ chức Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: công trình vệ sinh, công trình nước sạch tại nơi công cộng và các vùng đặc biệt khó khăn; công trình xử lý nước thải, trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn.

Hai là, tổ chức treo pano, băng rôn, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp để truyền tải thông điệp, chủ đề về tài nguyên nước.

Ba là, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng thời lượng phát sóng các nội dung về nước và cuộc sống, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; tổ chức các buổi tọa đàm hoặc hoạt động trực tuyến khác trong đó có trao đổi, thảo luận về các chủ đề có liên quan đến Ngày Nước thế giới; tổ chức phỏng vấn ghi hình truyền thông điệp Ngày Nước thế giới,...

Bốn là, chia sẻ các trailer, phóng sự, pano, áp phích, khẩu hiệu, hình ảnh, các chương trình trực tuyến, thông tin, tài liệu hoặc tổ chức các minigame trên mạng xã hội có nội dung liên quan tới Ngày Nước thế giới nhằm tăng sự quan tâm, thu hút lượng tương tác, chia sẻ, bình luận của cộng đồng mạng cùng tìm hiểu, trao đổi về chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2021.

Năm là, phát động phong trào sử dụng tiết kiệm nước tại hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp, trong trường học và nơi công sở. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng để động viên kịp thời những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều thành tích trong việc sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và tiết kiệm.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án cấp nước sạch và vệ sinh cho mọi người, đặc biệt là những đối tượng đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Bẩy là, đẩy mạnh các chương trình, dự án áp dụng kỹ thuật nông nghiệp thông minh, tái sử dụng nước hoặc sử dụng nước tuần hoàn một cách an toàn...



New Picture (11).png
Chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm 2021 là “Giá trị của nước" nhằm nhấn mạnh, coi trọng các giá trị của nước.
 

Phóng viên: Để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 6: “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030", theo Bà, trong thời gian tới Việt Nam cần phải có các giải pháp quản lý tài nguyên nước nào hướng tới phát triển bền vững?

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh: Tính đến nay, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước tại Việt Nam đã được xây dựng khá toàn diện, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài nguyên nước. Để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 6 “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030", trong thời gian tới, lĩnh vực tài nguyên nước sẽ tập trung triển khai các giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; tiến hành rà soát, sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; Phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.

Hai là, tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu và phát triển bền vững.

Ba là, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,…nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt. 

Bốn là, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm tài nguyên nước để có các biện pháp chủ động ứng phó nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai như hạn hán lũ lụt diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn; hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.

Năm là, tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Sáu là, tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Bẩy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt tăng cường hiệu quả hợp tác với các quốc gia khác trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.

Tám là, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa Trung ương và địa phương; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước. 

Xin trân trọng cảm ơn bà!


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường