Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật Khoáng sản năm 2010: Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản

Tin tức - Sự kiện Địa chất - Khoáng sản  
Luật Khoáng sản năm 2010: Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, những thay đổi của thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu cần phải có những sửa đổi, bổ sung thêm các quy định của Luật để có thể xử lý được những vướng mắc của thực tiễn, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng. Hiện nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang đánh giá, tổng hợp những tác động của chính sách, pháp luật về khoáng sản và đặt kế hoạch sẽ xây dựng Luật mới thay thế Luật Khoáng sản năm 2010 trong giai đoạn 2021 - 2025.

* Hiệu quả về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản

Luật Khoáng sản 2010 ra đời và có hiệu lực từ tháng 7/2011, thay thế Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005. Trong đó có nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung mới mang tính cơ bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Luật Khoáng sản 2010 đã kế thừa và thể hiện được các quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với khoáng sản trong giai đoạn trước đó. Luật đã thể hiện rõ những quan điểm mới mang tính “đột phá" làm thay đổi căn bản công tác bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia; giải quyết được các vấn đề gây nhiều bức xúc và tranh luận trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản từ trước đến nay; đồng thời bãi bỏ các quy định bất cập, bổ sung các quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn. Việc chi tiết hóa các vấn đề có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn ngay trong các điều khoản của Luật, giúp giảm số lượng các văn bản hướng dẫn dưới luật. Nếu như Luật Khoáng sản năm 1996 chỉ có 66 Điều thể hiện trong 12 Chương thì Luật Khoáng sản năm 2010 có 86 Điều thể hiện trong 11 Chương.

Trong đó, Luật đã bổ sung thêm 48 Điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 38 Điều được giữ lại từ Luật cũ. Bên cạnh việc bỏ đi 2 Chương của Luật 1996 là “Khảo sát khoáng sản" và “Khen thưởng, xử phạt", Luật Khoáng sản năm 2010 đã kết cấu lại và bổ sung 6 Chương mới. Các Chương mới này tập trung vào các nhóm chiến lược, quy hoạch, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; khu vực khoáng sản; bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nước, cơ sở hạ tầng trong hoạt động khoáng sản; tài chính và đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cụ thể, điểm mới của Luật Khoáng sản năm 2010 là đã bổ sung quy định về Chiến lược khoáng sản (Điều 9), nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng cũng như công tác lập quy hoạch khoáng sản, để khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác lập quy hoạch như hiện nay. Về quy định khu vực khoáng sản, Luật Khoáng sản năm 2010 đã bổ sung cụ thể về tiêu chí xác định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (Điều 28), khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Điều 29); bổ sung quy định về khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (Điều 27) làm cơ sở xác định thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Luật cũng đã quy định rõ điều kiện khu vực hoạt động khoáng sản phải là có khoáng sản, đã được điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch…

Trong giai đoạn 2016-2020, triển khai thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, thực hiện yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực địa chất, khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật gồm Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng và các văn bản đặc thù của lĩnh vực địa chất và khoáng sản (như quy trình quy phạm trong điều tra cơ bản địa chất, định mức đơn giá các công trình địa chất,..). Tổng cục đã tích cực tham gia xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có tác động đến hệ thống pháp luật về địa chất, khoáng sản như: Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch và Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; 2 Nghị định về quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng đã thể rõ quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng trong quản lý khoáng sản. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu và chất lượng của văn bản bản sau khi được ban hành và tổ chức triển khai thi hành. Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản cơ bản hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ để điều chỉnh các hoạt động từ lập chiến lược khoáng sản, quy hoạch khoáng sản, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Trong đó, phải kể đến Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quy hoạch, thăm dò, khai thác; kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi lòng sông, bao gồm cả cát, sỏi ở lòng hồ, cửa sông và công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ. Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 24/2/2020 và có hiệu lực từ ngày 10/4/2020. Ngoài ra, Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, quản lý, bảo vệ khoáng sản và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và tạo điều kiện để triển khai các dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia theo Luật Khoáng sản năm 2010…

Công tác kinh tế địa chất đã có những kết quả tích cực, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng thông tin, số liệu điều tra, thăm dò của Nhà nước; công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện bước đầu đã có kết quả nhất định, thu về ngân sách các địa phương hàng trăm tỷ đồng, góp phần đưa quy định mới của Luật Khoáng sản vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong cấp phép hoạt động khoáng sản, lựa chọn được tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tài chính, công nghệ; minh bạch trong cấp phép, góp phần tăng thu ngân sách. 

Công tác quản lý hoạt động khoáng sản đạt được những kết quả rõ rệt, khắc phục tình trạng cấp phép manh mún, tràn lan ở địa phương; hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản; tăng nguồn kinh phí đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, sử dụng dữ liệu, thông tin tư liệu địa chất khoáng sản.

Với chức năng quản lý nhà nước về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và quản lý nhà nước về khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, huy động nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; các loại khoáng sản được điểu tra đầy đủ, phù hợp nhu cầu cấp thiết của thực tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

A16.png

Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản. Ảnh minh họa

* Điểm nhấn trong chính sách kinh tế khoáng sản

Theo đánh giá của các chuyên gia khoáng sản, điểm nhấn mang tính đột phá của Luật Khoáng sản 2010 là chính sách kinh tế khoáng sản. Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, lần đầu tiên quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai từ năm 2014. Đến hết năm 2020, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã phê duyệt khoảng trên 52.000 tỷ đồng, trong đó, thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương là trên 37.000 tỷ đồng; thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương khoảng 15.000 tỷ đồng.

Theo đó, đã thu vào ngân sách Nhà nước gần 29.659 tỷ đồng, trung bình hàng năm ngân sách Nhà nước thu từ 4.300 - 4.500 tỷ đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cùng với quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, từ năm 2012 đến nay Tổng cục đã thống kê và trình Bộ TN&MT phê duyệt để thu tiền sử dụng số liệu thông tin kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư đối với các mỏ đang khai thác, tổng số tiền thu được trên 2.500 tỷ đồng.

Công tác cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản được đẩy mạnh từ năm 2015 đến nay. Theo đó, đến hết năm 2020, có khoảng 830 khu vực mỏ khoáng sản đã được phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, đã tổ chức đấu giá thành công 384 khu vực khoáng sản giá trúng đấu giá tăng từ 20 - 135% so với giá khởi điểm, góp phần đưa các chính sách mới về tài chính trong hoạt động khoáng sản đi vào cuộc sống, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu khoáng cho các ngành kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu tiền sử dụng số liệu thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư đã nâng cao hiệu quả của khai thác khoáng sản, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với Nhà nước và địa phương có khoáng sản được khai thác; tăng cường ý thức khai thác tối đa, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

Điểm mới cơ bản nữa của Luật Khoáng sản năm 2010 là về nguyên tắc, việc cấp quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tăng thu cho ngân sách nhà nước (Điều 78). Tuy vậy, có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản khi cấp quyền khai thác không thể thông qua đấu giá. Ví dụ như khoáng sản có tính chiến lược, khoáng sản ở khu vực nhạy cảm về môi trường, về đảm bảo an ninh-quốc phòng, khu vực đã thăm dò trước ngày Luật có hiệu lực. Để giải quyết vấn đề này, Luật đã quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá được tiến hành ở khu vực khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trên cơ sở các tiêu chí do Chính phủ quy định để xem xét cụ thể.

Theo đó, đã khắc phục được cơ bản tình trạng “đầu cơ mỏ khoáng sản" như trước đây, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp khai thác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu năng lực tài chính, tổ chức các hoạt động khai thác, đầu tư kém hiệu quả; góp phần nâng cao chất lượng, năng suất trong khai thác, sử dụng nguồn vật lực của đất nước…

* Định hướng xây dựng Luật thay thế Luật Khoáng sản 2010

Để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, việc định hướng xây dựng Luật thay thế Luật Khoáng sản năm 2010 (dự kiến là Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản) là rất quan trọng. Theo đó, trong năm 2021, Tổng cục sẽ tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Khoáng sản. Trên cơ sở kết quả đánh giá sẽ lập đề nghị xây dựng Luật mới thay thế Luật Khoáng sản và trình Quốc hội vào nửa đầu năm 2022. Nếu Quốc hội đồng ý Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, Tổng cục sẽ triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành, trình Quốc hội vào cuối năm 2023.

Việc đề xuất xây dựng Luật thay thế Luật khoáng sản năm 2010 nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về khoáng sản, Luật mới thay thế Luật Khoáng sản năm 2010 sẽ bổ sung đầy đủ các quy định để đảm bảo quản lý đầy đủ, hiệu quả các nội dung của công tác quản lý nhà nước về địa chất như địa chất thuỷ văn, địa chất công trình; địa chất tai biến, địa nhiệt, địa chất, di sản địa chất… nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về địa chất, sử dụng hiệu quả kết quả điều tra cơ bản địa chất phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau khi Luật mới được xây dựng và ban hành, để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Bộ TN&MT dự kiến giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xây dựng các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ TN&MT để hướng dẫn, quy định chi tiết các nội dung của Luật…

Song song với việc xây dựng thể chế, Tổng cục đang nỗ lực tập trung hoàn thành 4 đề án Chính phủ giao, bao gồm: Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam; Bay đo từ - trọng lực, tỉ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam; Điều tra, đánh giá tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Đánh giá tổng thể về khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng cục cũng sẽ hoàn thành 5 đề án cấp Bộ giao, bao gồm: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Tú Lệ; Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Iameur; Đánh giá tiềm năng các diện tích có triển vọng nhất vùng quặng thiếc Lâm Đồng - Khánh Hòa; Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang; Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát trắng trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Đồng thời, mở mới 4 đề án: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 vùng đồng bằng Sông Cửu Long; nhóm tờ Lệ Thủy - Quảng Bình; nhóm tờ Tu Mơ Rông; Lập bản đồ nền địa chất phần đất liền (thạch học, địa hóa đất, địa chất thủy văn, địa chất công trình) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Điều tra địa chất không gian ngầm đô thị các thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng; Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất và khoáng sản quốc gia.

Bên cạnh đó, Tổng cục rà soát, mở mới các đề án điều tra, đánh giá các khoáng sản có tiềm năng lớn, có nhu cầu cấp thiết, gồm: Phát triển hệ cơ sở dữ liệu địa chất và công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian ngầm đô thị ở Việt Nam; Đánh giá tài nguyên than phần sâu đến đáy tầng than đối với các mỏ ở bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Nam; Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng vàng; Điều tra, đánh giá tiềm năng, chất lượng đá vôi để phục vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Điều tra, đánh giá tổng thể cát xây dựng các lưu vực sông ở Việt Nam phục vụ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng bền vững; Điều tra, đánh giá tiềm năng, triển vọng khí đá phiến khu vực phía Bắc Việt Nam; Thăm dò quặng urani khu Khe Hoa - Khe Cao, tỉnh Quảng Nam; Điều tra, đánh giá chi tiết địa động lực hiện đại phục vụ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long…


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường