Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Liên kết cấp vùng và quốc gia để đảm bảo an ninh nguồn nước

Tin tức - Sự kiện Tài nguyên nước  
Liên kết cấp vùng và quốc gia để đảm bảo an ninh nguồn nước
Tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đang có những biến động lớn do biến đổi khí hậu và gia tăng khai thác tài nguyên nước của các quốc gia cùng lưu vực. Để điều phối hài hòa, đảm bảo an ninh nguồn nước cần thực hiện các giải pháp liên vùng, liên quốc gia.

* Xâm nhập mặn tăng, dòng chảy giảm

Trong những năm gần đây, tài nguyên nước đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của nước ta đã có những diễn biến và thay đổi. Theo đánh giá của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, tổng lượng dòng chảy trung bình năm về ĐBSCL giai đoạn 2010-2020 đã sụt giảm khoảng 8% so với giá trị trung bình nhiều năm; hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn so với trước đây với phạm vi và cường độ lớn hơn ranh mặn 4 g/L vào sâu hơn từ 35-45 km trước đây lên 50- 60 km, đặc biệt trong mùa khô năm 2016 và 2020, chiều sâu xâm nhập mặn đã lên tới 90 km.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này được xác định là do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự gia tăng mức độ, quy mô sử dụng nước trong lưu vực.

Dự báo trong những năm tới đây, tài nguyên nước về ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức nêu trên. Cụ thể, các quốc gia vùng thượng nguồn sông Mê Công tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế của mình, bao gồm phát triển thủy điện dòng chính và dòng nhánh, mở rộng diện tích tưới nông nghiệp, chuyển nước ra khỏi lưu vực… Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu sẽ làm những hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên gay gắt hơn, hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, và phạm vi, cường độ của xâm nhập mặn cũng sẽ ngày càng lớn hơn.

6.33.png

 Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công

* Tăng phối hợp với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công

Giải pháp để ứng phó với những khó khăn, thách thức nêu trên đối với tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cơ quan quản lý nhà nước thường trực cho rằng cần tiến hành theo cấp vùng và cấp quốc gia

Về cấp vùng, Việt Nam cần cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhằm thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 và Bộ quy chế sử dụng nước; tăng cường chia sẻ thông tin số liệu; tăng cường hệ thống quan trắc, đo đạc dòng chảy, phù sa, bùn cát, thủy sản, môi trường sinh thái và chất lượng nước sông Mê Công, đặc biệt là mạng lưới giám sát tác động thực tế của các công trình thủy điện dòng chính; xây dựng và phát triển các công cụ hỗ trợ, các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch, dự báo, cảnh báo tác động của các hoạt động phát triển đến tài nguyên nước của lưu vực.

Đồng thời chúng ta cần phối hợp với các quốc gia Ủy hội thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và Myanmar thông qua cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương và cơ chế đối thoại giữa Ủy hội với Trung Quốc và Myanmar để trước mắt là đẩy mạnh công tác chia sẻ thông tin, số liệu sau đó tiến tới cùng nhau nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa và cơ sở dữ liệu dùng chung toàn lưu vực nhằm đảm bảo sử dụng nước công bằng hợp lý giữa các quốc gia ven sông; tiến hành nghiên cứu chung về các nguyên nhân gây ra hạn hán, lũ lụt trên lưu vực, làm cơ sở đề xuất, thống nhất các giải pháp giảm thiểu tác động, chủ động ứng phó.

Ở cấp quốc gia, chúng ta cần tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời về các diễn biến dòng chảy sông Mê Công và các nhận định, dự báo, cảnh báo về tình hình tài nguyên nước về Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành và thực thi các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động về kế hoạch ứng phó khi có dự báo, cảnh báo về biến đổi về nguồn nước từ thượng nguồn về tới đồng bằng như kế hoạch về mùa vụ, cơ cấu cây trồng, kế hoạch trữ nước, kế hoạch duy tu bảo dưỡng công trình cấp nước, điều tiết nước; chủ động trong phối hợp, điều phối giữa các địa phương, đặc biệt là cần chú ý mối quan hệ thượng – hạ nguồn, hài hòa lợi ích giữa các địa phương; tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường