Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lập bản đồ địa chất để đánh giá đúng tiềm năng khoáng sản

Tin tức - Sự kiện Địa chất - Khoáng sản  
Lập bản đồ địa chất để đánh giá đúng tiềm năng khoáng sản
Không chỉ “ăn dầm, nằm dề” trong vùng rừng núi để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trên diện tích từng vùng, khu vực và toàn lãnh thổ của đất nước, những người lập bản đồ địa chất còn phải đối mặt với nhiều khó khăn đặc thù khác. Đặc biệt khi tiến hành đo vẽ lập bản đồ địa chất ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội.

Để hiểu rõ hơn công việc của những “người trinh sát", PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Quang Lân – Liên Đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam).

PV: Thưa ông, Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Hà Quảng" đã đạt được những kết quả và mang lại ý nghĩa như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

Ông Vũ Quang Lân: Sản phẩm của các Đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đã góp phần thành lập bản đồ địa chất quốc gia; làm sáng tỏ thành phần vật chất của các thể địa chất, cấu trúc và lịch sử phát triển địa chất khu vực; phát hiện và điều tra bước đầu về các loại khoáng sản; điều tra sơ bộ về tai biến địa chất và môi trường địa chất nhằm khoanh định những diện tích có triển vọng khoáng sản để điều tra tiếp theo, cũng như cung cấp cơ sở khoa học cho chính quyền địa phương định hướng quy hoạch sử dụng lãnh thổ hợp lý. 

Kết quả Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Hà Quảng" đã góp phần thành lập được bộ bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 quốc gia và các bản đồ khác cùng tỷ lệ trên diện tích 1700 km2. Đề án có những tài liệu mới về phần thấp của tầng đá vôi có tuổi cách nay trên dưới 300 triệu năm với diện phân bố rộng ở Cao Bằng nói riêng và ở vùng Đông Bắc Việt Nam nói chung, về các quan hệ địa chất góp phần làm sáng tỏ đặc điểm cấu trúc và lịch sử phát triển địa chất khu vực đới cấu trúc sông Hiến và đới Hạ Lang. Về mặt khoáng sản, Đề án đã phát hiện các thân quặng sắt gốc ở Cao Lù, Lũng Luông và Khuổi Tòng; khoáng hóa vàng có triển vọng ở Lộc Xoa, Dược Lang, Khuổi Tòng và Nà Đông; sét xi măng và kaolin ở Hòa An; các tập đá vôi xi măng, đá vôi dùng trong công nghiệp và đá vôi sạch ở Thán Táu, Lũng Kim và Thượng Thôn. Sản phẩm của đề án được UBND tỉnh Cao Bằng tham khảo, sử dụng trong việc lập hồ sơ Công viên địa chất quốc tế Non nước Cao Bằng.

PV: Được biết, để công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản, đo vẽ lập bản đồ địa chất là một trong những nhiệm vụ tiên quyết đối với công tác này. Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng và những khó khăn cũng như yêu cầu đối với người làm nhiệm vụ này?

Ông Vũ Quang Lân: Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc có 2 nhiệm vụ chính là đo vẽ lập bản đồ địa chất - điều tra khoáng sản ở các tỷ lệ và điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản. Trong đó, công việc trước tiên là đo vẽ lập bản đồ địa chất ở các tỷ lệ, nhằm làm rõ cấu trúc địa chất, thành phần vật chất của các thể địa chất và phát hiện khoáng sản, từ đó làm cơ sở để tiến hành các bước điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản.

Công việc ban đầu thường mới mẻ và rất khó khăn. Chẳng hạn, khi bắt đầu lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000, Liên đoàn đã có bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 trước đó để tham khảo, nhưng chỉ mới tiếp cận trên giấy, còn khi ra thực địa gần như là mới hoàn toàn.

Lập bản đồ địa chất không chỉ nhằm phát hiện khoáng sản mà còn phải điều tra tổng thể và toàn diện về địa chất, tài nguyên (khoáng sản và tài nguyên địa chất khác), tai biến địa chất, môi trường địa chất... chính vì thế công tác lập bản đồ địa chất được xác định là công việc khó. Với các đối tượng mới, nội dung điều tra nhiều và phức tạp, nên đòi hỏi Chủ nhiệm đề án, đội trưởng và các tổ trưởng phải có kiến thức rộng về địa chất khu vực, địa mạo, vỏ phong hóa, di sản địa chất, khoáng sản, tai biến địa chất, môi trường địa chất…

PV: Theo ông, cần có chính sách và biện pháp gì để khắc phục những khó khăn này?

Ông Vũ Quang Lân:Đối với khó khăn của ngành Địa chất và Khoáng sản nói chung và Liên đoàn nói riêng, cần có các giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, cần có định hướng công việc lâu dài cho Ngành cũng như chú trọng xây dựng lực lượng, nguồn lực của Ngành…

Về công việc trước mắt, Liên đoàn tiếp tục thi công 3 đề án: Sông Mã, Mường Nhé và Hoàng Su Phì trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt; hoàn thành đề tài khoa học và công nghệ theo Nghị định như. Thực hiện giám sát thăm dò nâng cấp trữ lượng các mỏ than Lộ Trí, Hà Lầm và thăm dò quặng wolfram ở Vị Xuyên và tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng dịch vụ địa chất.

Về định hướng công việc lâu dài, Liên đoàn tham gia lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong Quy hoạch này, ngoài việc thực hiện các đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 (phần đất liền) còn lại, Liên đoàn sẽ cùng với các đơn vị khác thuộc Tổng cục đề xuất các nhiệm vụ điều tra, đánh giá khoáng sản trong các cấu trúc thuận lợi, các nhiệm vụ điều tra tài nguyên địa chất, tai biến địa chất, môi trường địa chất và các nhiệm vụ điều tra địa chất phục vụ đa mục tiêu, sử dụng kết quả điều tra địa chất trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, quy hoạch đô thị, y học...  phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo ra việc làm ổn định lâu dài cho Liên đoàn.

Về nguồn nhân lực, Liên đoàn hiện có trên 80 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học. Đây là nguồn tài sản quý báu không những của Liên đoàn mà còn là của Ngành. Để có thể duy trì và phát triển được nguồn nhân lực kỹ thuật, Liên đoàn đã và đang thực hiện các giải pháp về quản lý, sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp; về tuyên truyền, giáo dục và thi đua khen thưởng; về tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng... Góp phần vào sự phát triển của Ngành, có nhiều đóng góp hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!​