Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính trở thành hàng hóa

Tin tức - Sự kiện Môi trường  
Hạn ngạch phát thải khí nhà kính trở thành hàng hóa
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi với những quy định mới về mua bán tín chỉ và hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK). Lần đầu tiên, Luật chế định việc “tổ chức và phát triển thị trường các-bon” như là công cụ kinh tế để thúc đẩy giảm phát thải NKN trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Hình thành thị trường các-bon trong nước

Từ một quy định chung trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đến nay, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã đưa ra khung chính sách cụ thể, làm nền tảng để Việt Nam hình thành và phát triển thị trường các-bon trong nước, tiến tới tham gia thị trường các-bon thế giới.

Luật quy định, thị trường các-bon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải NKN và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải NKN phải thực hiện kiểm kê NKN. Danh mục này sẽ được cập nhật 2 năm một lần trên cơ sở tỷ trọng phát thải NKN trên tổng phát thải NKN quốc gia, điều kiện và tình hình phát triển kinh tế, xã hội; tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Các cơ sở phát thải NKN được phân bổ hạn ngạch phát thải NKN và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước. Cơ sở chỉ được phát thải NKN trong hạn ngạch phát thải NKN. Trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường các-bon trong nước.

Cơ sở thực hiện giảm phát thải NKN hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ được quyền bán lại cho đối tượng khác có nhu cầu. Việc trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phải phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật cũng quy định về trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành. Theo đó, Bộ TN&MT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hằng năm; tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng; tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường thế giới. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan thành lập thị trường các-bon trong nước.

Các quy định chi tiết cũng như chi phí phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, lộ trình, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước sẽ do Chính phủ ban hành.

Thực tế, từ khi chưa có các quy định này, với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, có khá nhiều chương trình, dự án theo cơ chế bù trừ các bon đang được thực hiện trong cả 5 lĩnh vực phát thải chính, gồm: năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, chất thải, sử dụng đất - thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Gần đây nhất, Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) đã ký kết thỏa thuận chi trả 51,5 trệu USD để nhận chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Đây có thể coi là “nguồn hàng" các-bon ban đầu để Việt Nam có cơ sở khởi dựng thị trường.

Củng cố thực thi cam kết của Việt Nam

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Báo cáo cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC cập nhật) của Việt Nam đã xác định giảm 9% phát thải khí nhà kính (so với kịch bản phát thải thông thường) tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và tăng lên 27% khi có hỗ trợ quốc tế.

Dự kiến nguồn lực để đạt được các mục tiêu trên có thể lên tới hàng chục tỉ USD trong thập kỷ tới, và phát triển thị trường các-bon là một trong những phương thức để huy động nguồn lực xã hội một cách minh bạch và linh hoạt. Các quy định mới được kỳ vọng sẽ củng cố cam kết của Việt Nam đối với giảm phát thải NKN theo Hiệp định Paris về BĐKH và chuyển sang mô hình phát triển các-bon thấp trong thời kỳ phục hồi sau COVID-19.

Để có cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện Điều về “Tổ chức và phát triển thị trường các-bon" trong Luật BVMT sửa đổi, Cục Biến đổi khí hậu hiện đang nghiên cứu để hoàn thiện đề xuất mô hình thị trường các-bon ở Việt Nam thời gian tới. Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, để phát triển thị trường các-bon, nhiều hạng mục kỹ thuật cần đươc nghiên cứu và quy định trong hệ thống pháp luật. Các nội dung về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc – báo cáo- thẩm định giảm nhẹ phát thải… cũng sẽ phải được từng bước nghiên cứu, triển khai theo một lộ trình cụ thể, dựa trên luận cứ khoa học và thực tiễn.

Giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia sáng kiến “Đối tác thực hiện Thị trường các-bon" (PMI) do Ngân hàng Thế giới khởi xướng. Đây là giai đoạn tiếp nối của chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon" để triển khai các công cụ thị trường tại các nước thành viên. Trọng tâm là thực hiện các hoạt động định giá các-bon, góp phần xây dựng các chính sách, công cụ quản lý tín chỉ các-bon, công cụ định giá các-bon ở Việt Nam trong thập ký tới.

Thị trường các-bon phát triển thông qua các công cụ định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon, cơ chế tạo tín chỉ (JCM, CDM), hệ thống trào đổi hạn ngạch phát thải… Hiện đã có 59 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng định giá các-bon.

Năm 2019, nguồn thu từ định giá các-bon lên tới 45 tỷ USD và giúp quản lý trên 12 tỷ tấn CO2, tương đương 22,3% tổng phát thải toàn cầu. Ngoài ra, đã có 96/185 quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris đã cam kết áp dụng định giá các-bon để đạt được các mục tiêu NDC, trong đó có Việt Nam.

​ 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường