Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chung tay hành động làm cho thế giới sạch hơn!

Tin tức - Sự kiện Môi trường  
Chung tay hành động làm cho thế giới sạch hơn!

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 và được tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Đến nay, Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay tại Việt Nam, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cả nước đang tập trung tối đa các nguồn lực vào công tác phòng, chống để đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch năm nay phải đảm bảo tổ chức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh.

*Đại dịch covid-19 là hồi chuông cảnh báo đến môi trường

Tại lễ phát động toàn quốc hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn sáng 21/9, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Tuy vậy, hiện nay ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là nguy cơ hiện hữu, thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội đối với toàn cầu, trong đó có chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, kịp thời.

“Đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu cũng đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi nhân loại phải sớm có những hành động cụ thể, thiết thực thay đổi cách thức ứng xử với môi trường tự nhiên, các hệ sinh thái", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ Việt Nam luôn xác định không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế trước mắt, mà luôn hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm môi trường sống trong lành, bảo vệ sức khỏe của người dân cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được ban hành thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

A22.png

Lan tỏa nhiều hành động đẹp, phong trào tốt về bảo vệ môi trường là mục tiêu của Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn

Song song với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua, đã có nhiều sáng kiến, hoạt động về BVMT hết sức thiết thực, thu hút sự tham gia của mỗi người dân và toàn xã hội được tổ chức như: phong trào Chống rác thải nhựa; Chiến dịch Nói không với ống hút nhựa, sản phẩm nhựa dùng 1 lần; phong trào Ngày Chủ nhật xanh; Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; Mô hình cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp… trở thành điểm sáng, tạo được sự lan tỏa lớn trong công tác BVMT.

Mới đây nhất, ngày 15/9/2021 vừa qua, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; qua đó nâng tổng số Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta lên 11 Khu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

“Đây là niềm tự hào của hai địa phương Ninh Thuận và Gia Lai nói riêng và của Việt Nam nói chung, đồng thời thể hiện rõ nét những nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong công tác BVMT, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc", Thứ trưởng bày tỏ.

*Chung tay làm thế giới sạch hơn

Từ những kết quả đạt được trong công tác BVMT, từ tác động của dịch Covid-19, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định: Công tác BVMT trong giai đoạn phát triển mới của đất nước với rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức; tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Bởi vậy, Bộ TN&MT đề nghị các cấp, ngành, cơ quan đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động, triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực.

Đó là tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn, nhất là chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng quy định, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Y tế và Bộ TN&MT; tập trung giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải và BVMT, đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, cải thiện chất lượng môi trường khu vực đô thị và nông thôn nhằm hỗ trợ một cách tích cực và hiệu quả cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

A23.png

Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm lượng rác thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Công văn số 5727 ngày 17/9/2021 của Bộ TN&MT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021. Triển khai các giải pháp cụ thể để thực thi hiệu quả các quy định của Luật BVMT năm 2020, nhất là các hoạt động hiệu quả để quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, bảo vệ di sản thiên nhiên, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Kịp thời phát hiện, tuyên dương các mô hình điển hình, cách làm hay, hiệu quả về BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hiệu quả để phổ biến, nhân rộng.

Thứ trưởng mong muốn và kêu gọi toàn xã hội tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay bằng những hành động thiết thực, từ những việc đơn giản, hành động nhỏ nhất như phân loại rác thải từ hộ gia đình, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh, trồng thêm nhiều cây xanh, nói không với rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần… đến những giải pháp, biện pháp mang tính lâu dài như đầu tư xử lý ô nhiễm, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo tồn đa dạng sinh học… nhằm góp phần BVMT, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

Theo Bộ tài nguyên và Môi trường
Tin liên quan