Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chung sức xây dựng khung pháp lý thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020

Tin tức - Sự kiện Môi trường  
Chung sức xây dựng khung pháp lý thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020
Để hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ TN&MT đã lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học…

* Doanh nghiệp là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (BVMT) xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Do đó, Luật đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã thảo luận và thống nhất những chủ trương quan trọng; góp ý kỹ hơn nữa đối với các nội dung thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ phải thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực. Ngoài các ý kiến tập trung vào nội dung thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường… thì vấn đề về nhập khẩu phế liệu, tái chế và trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất được nhiều người quan tâm.

Ông Hoàng Đức Vượng, đại diện Hiệp hội nhựa Việt Nam cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định từ ngày 1/1/2025, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế; số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất. Như vậy các doanh nghiệp phải thu mua 20% phế liệu trong nước. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp như sắt, thép, giấy thì lượng nhập khẩu rất lớn nên chúng tôi đề nghị xem xét, điều chỉnh lại với sắt, thép, giấy dưới 20% và giữ nguyên đối với nhựa.

Về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hiện đang quy định dung tích bao bì mềm và tính theo thể tích. Tới đây, nên phân loại thành bao bì mềm, cứng, đa lớp và tất cả các loại bao bì đều phải có tiêu chí. Để có thể phát triển thị trường tái chế, cần quy định các loại nhựa phải có nguyên vật liệu tái chế từ 15-30%; phải ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp tái chế thu gom, doanh nghiệp vừa và nhỏ theo luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà nước sẽ hỗ trợ 30-50% cho các công trình bảo vệ môi trường.

Đơi với quy định việc tái chế bao bì sẽ áp dụng từ 1/1/2023 và sản phẩm điện tử có hiệu lực từ 1/1/2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện công ty SamSung khẳng địnnh thời gian này là quá ngắn và để xuất kéo dài thành 2 năm. Bởi hiện nay cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện; các doanh nghiệp tái chế và sản xuất cần thêm thời gian chuẩn bị và cơ quan nhà nước cũng nên rà soát lại quy trình liên quan đến điều kiện thu gom, đảm bảo tính khả thi.

Về thực hiện trách nhiệm tái chế, theo quy định dự thảo, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu được chọn 1 trong 3 phương án tái chế là tự tái chế, thuê đơn vị tái chế, đóng góp quỹ bảo vệ môi trường. Quy định này chưa tạo ra được sự linh hoạt trong việc tổ chức tái chế của các doanh nghiệp trong bối cảnh cơ sở hạ tầng hiện nay. Do đó, nên áp dụng linh hoạt đồng thời 2 phương thức tái chế. Trong trường hợp năng lực của doanh nghiệp thực hiện thu gom tái chế có hạn chế trong thời gian đầu như không đảm bảo 100% yêu cầu tái chế sẽ đóng góp phần còn lại vào quỹ bảo vệ môi trường.

New Picture (26).png

Quang cảnh hội thảo Bộ TN&MT tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Nghị định (ảnh: Khương Trung)

* Nhiều đề xuất của các nhà khoa học

Bên cạnh ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Bộ TNMT cũng được nhà khoa học, các chuyên gia “hiến kế". Theo ông Đỗ Thanh Bái - Hội hóa học Việt Nam, đối với vấn đề mới là cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nên lồng ghép chặt chẽ EPR với nền kinh tế tuần hoàn và quy định về nhập khẩu. Bởi nếu chúng ta không siết chặt nhập khẩu sẽ không giải quyết được rác thải trong nước, đặc biệt là chất thải nhựa và chất thải giấy. Cần phải bổ sung thêm một số loại hình như: xử lý chất thải nguy hại, các doanh nghệp hóa chất sản xuất sơn, mực in, pin mặt trời, pin sạc,…vì đây là những hoạt động gây ô nhiễm cao.

GS.TS Nguyễn Việt Anh Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng lại cho rằng cần có hướng dẫn riêng giữa hệ thống thoát nước thải ở đô thị và khu công nghiệp. Trên thực tế, ở Việt Nam đang có nhiều khu vực sử dụng hệ thống thoát nước chung và có giếng tách nước mưa ở các sông, hồ và hồ tiếp nhận. Trong khi đó, chi phí xây dựng hệ thống thu gom nếu tách nước thải và nước mưa là tốn kém, vì vậy, việc thực thi điều này là khó cho các dự án thoát nước và xử lý nước thải trong thời gian tới. Nên quy định rõ khu vực nào có cống thu gom và nhà máy xử lý nước thải thì quy định riêng, còn công trình xử lý nước thải tại nguồn xử lý các cụm công nghiệp thì áp dụng cho những khu vực chưa có xử lý nước thải hoặc cống thu gom.

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&learn): Phân rõ đối tượng thực hiện quan trắc môi trường. bởi theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc quan trắc có nhiều mục đích khác nhau như giáo dục, cảnh báo, phát hiện điểm nóng, hỗ trợ cho quản lý nhà nước. Do đó, điều 101-117 cần phân rõ thành đối tượng quan trắc phục vụ quản lý nhà nước và đối tượng quan trắc cho mục đích cộng đồng. Đối với đối tượng quan trắc phục vụ mục đích cộng đồng, nếu áp dụng quy trình quản lý nhà nước sẽ không hợp lý, không khả thi và không khoa học.

Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, đây là Nghị định có dung lượng lớn, đồ sộ, với nhiều vấn đề mới và khó, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Do đó rất cần sự chung sức, chung lòng, chung ý chí, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với lĩnh vực môi trường. Trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và hiện nay là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật, Bộ TN&MT đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và đã cụ thể hóa trong 13 chương 197 điều của Dự thảo Nghị định. Với tinh thần cầu thị, Bộ TNMT sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất, đảm bảo khi Luật BVMT 2020 chính thức có hiệu lực (năm 2022) được thực thi ngay vào cuộc sống.


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường
Tin liên quan