Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động tham mưu ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

Tin tức - Sự kiện Khí tượng - Thủy văn  
Chủ động tham mưu ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng gia tăng với cường độ mạnh hơn, mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường của nước ta đang chịu những tác động nghiêm trọng. Dự báo, BĐKH sẽ tiếp diễn khó lường và cực đoan hơn, trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để từng bước vượt qua thách thức đó, đòi hỏi phải nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất nâng cao công tác quản lý nhà nước, xây dựng các cơ chế, chính sách và năng lực ứng phó với BĐKH ở nước ta.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp, tác động mạnh đến an ninh lương thực do nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, tần suất các hiện tượng cực đoan; đồng thời, làm gia tăng sức ép lên hệ thống đất đai, qua đó bùng phát nguy cơ cao về hoang mạc hoá, suy thoái đất. Những đợt sóng nhiệt, tăng cường, mưa bão, hạn hán, thiên tai, ngập lụt diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và tiếp tục hủy hoại các hệ sinh thái. Nước biển dâng sẽ gây ra các đợt tị nạn quy mô lớn do BĐKH.

Theo Báo cáo Hiện trạng khí hậu năm 2019 do Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ công bố, kể từ năm 1980, mỗi thập kỷ sau lại nóng hơn thập kỷ trước, trong đó thập kỷ 2010-2019 đã nóng hơn thập kỷ 2000-2009 khoảng 0,2 độ C và nguyên nhân chính làm cho khí hậu thay đổi là lượng phát thải khí nhà kính vẫn không ngừng tăng, đã lên mức cao kỷ lục là 409,8 phần triệu thể tích. Hệ quả là 6 năm liên tiếp kể từ 2014 đến nay trở thành những năm nóng nhất, trong đó năm 2019 vừa qua là một trong ba năm nóng nhất (chỉ xếp sau năm 2016 và 2015) kể từ khi nhân loại bắt đầu ghi lại nhiệt độ từ giữa những năm 1800. Mực nước biển dâng cao kỷ lục trong vòng 8 năm liên tiếp. Các dòng sông băng tiếp tục tan chảy ở mức độ rất báo động trong năm thứ 32 liên tiếp. Mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Ohio Hoa Kỳ đã công bố báo cáo, dữ liệu vệ tinh 40 năm qua cho thấy, băng ở Greenland tan chảy, vượt qua ngưỡng có thể đảo ngược.

Ở nước ta, do tác động của BĐKH, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng dày hơn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016. Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35% đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%. Bão lớn cấp 4 và 5 diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây; đã dịch chuyển dần xuống phía Nam trong vòng 5 thập kỷ qua. Các hiện tượng bất thường của khí hậu, thời tiết đã xảy ra liên tục ở nhiều vùng, gây ra sạt lở, lũ ống lũ quét trên diện rộng với sức tàn phá to lớn ở Yên Bái năm 2017, Thanh Hoá năm 2018, 2019, mơi đây là mưa lớn lịch sử trong vòng 60 năm gây thiệt hại to lớn cho Hà Giang và một số địa phương ở miền Bắc. Trong thời gian tới, BĐKH sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và những tác động bất lợi sẽ ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo mới được công bố của Viện Toàn cầu Mckinsey, do tác động của BĐKH, các nước Đông Nam Á sẽ tổn thất khoảng 8-13% GDP mỗi năm cho đến năm 2050.

Tác động do BĐKH đang trở thành nguyên nhân gây ra những thách thức an ninh, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư. Thống kê gần đây cho thấy, trong 10 năm trở lại đây đã có 1,7 triệu người di cư ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến, tỉ lệ di cư này là gấp hai lần trung bình cả nước.

Để tăng cường ứng phó hiệu quả với BĐKH tại Việt Nam, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực, chủ động đề xuất ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Trong đó, nổi bật là: Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TN&BVMT và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TN&MT.

Các quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH được lồng ghép, quy định tại một số luật khác nhau, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Luật Khí tượng thủy văn. Để hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật ứng phó với BĐKH phù hợp với giai đoạn phát triển mới và các điều ước quốc tế về BĐKH mà Việt Nam tham gia, Bộ TN&MT đã chủ động tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Trong đó, Bộ đã đề xuất hoàn thiện nội dung Chương trình Ứng phó với BĐKH phù hợp vơi những quy định mới của quốc tế và trong nước, nhằm tăng cường công tác quản lý về BĐKH. Đây là những tiền đề để chuẩn bị cho việc xây dựng dự án Luật BĐKH trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cũng trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành. Riêng Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH đã đề xuất và các bộ, ngành liên quan xây dựng được trên 300 hành động chính sách liên quan đến ứng phó với BĐKH.

Nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động liên quan đến BĐKH đã được ban hành trong thời gian qua. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2019 phê duyệt bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn,…

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Chiến lược quốc gia về về BĐKH; Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP; Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP,… Kế hoạch quốc gia thích ứng BĐKH giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030 và Đánh giá khí hậu của địa phương.

Việt Nam đã tích cực thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, kể từ khi ký, phê chuẩn và phê duyệt Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, Công ước Viên, Nghị định thư Montreal và các bản sửa đổi có liên quan. Định kỳ, hoàn thành và đề trình Ban Thư ký Công ước các báo cáo quốc gia về ứng phó với BĐKH, thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho các lĩnh vực theo quy định, tăng cường công tác đàm phán quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế về ứng phó với BĐKH và bảo vệ tầng ô-zôn,... Năm 2015, để góp phần thúc đẩy đàm phán Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã hoàn thành xây dựng và đệ trình dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC). Năm 2016, Việt Nam ký và phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH, Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định đã trở thành thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Để triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, cụ thể hóa các cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH, bao gồm 68 nhóm nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện đến 2030 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, huy động nguồn lực, tăng cường và hoàn thiện thể chế và thiết lập hệ thống công khai minh bạch trong ứng phó và hỗ trợ ứng phó với BĐKH.

Thực hiện trách nhiệm của một bên tham gia Thỏa thuận, Việt Nam đã hoàn thành việc rà soát và cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định, phản ánh nỗ lực cao nhất của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH toàn cầu, phù hợp với điều kiện quốc gia và với sự điều chỉnh tăng mức cam kết của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris, hướng đến nền kinh tế ít phát thải và chống chịu với BĐKH. Những nỗ lực trên của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

New Picture (4).png

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường trao giải Cuộc thi ảnh về BĐKH

Nhiệm vụ ứng phó với BĐKH đặt ra trong thời gian tới là thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TN&BVMT, theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về BĐKH, Bộ TN&MT sẽ chủ trì xây dựng cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn 2021-2050, bao gồm các nội dung phát triển dài hạn về phát thải khí nhà kính thấp, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước, đáp ứng yêu cầu cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH và tăng cường sự chủ động và tính hiệu quả trong ứng phó với BĐKH trong nước, Việt Nam cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật và QLNN về BĐKH. Theo đó, công tác tham mưu, đề xuất nâng cao năng lực QLNN về BĐKH sẽ tập trung vào một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Chương ứng phó với BĐKH trong Luật BVMT sửa đổi. Đây là cơ sở để triển khai các hoạt động QLNN về BĐKH trong thời gian tới, nhằm tiến tới xây dựng đạo luật về BĐKH trong tương lai.

Thứ hai, tăng cường xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý các hoạt động thích ứng vơi BĐKH; tổ chức theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; từng bước hoàn thiện các quy định quản lý về bảo vệ tầng ô-dôn; tập trung xây dựng quy định quản lý ứng phó với BĐKH dựa trên các công cụ kinh tế.

Thứ ba, nâng cao hơn nữa năng lực đàm phán quốc tế về ứng phó với BĐKH để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam; tích cực nắm bắt xu thế thế giới về ứng pho với BĐKH, để tận dụng  được các cơ hội hợp tác, huy động nguồn lực cho ứng phó với BĐKH ở nước ta. Thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tiếp thu tri thức, chuyên môn và nguồn lực cho ứng phó với BĐKH.

Để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, trong vai trò là cơ quan tham mưu giúp Bộ về công tác QLNN về BĐKH, Cục BĐKH đã phát động các PTTĐ trong tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động hăng say lao động sáng tạo và trách nhiệm, trong đó có một số hoạt động nổi bật, như: Xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH, NDC cập nhật của Việt Nam và Chương ứng phó với BĐKH trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi. Trong thời gian tới, Cục tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong tham mưu xây dựng chính sách, tích cực triển khai thực hiện, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đối tác quốc tế để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường