Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chia sẻ giải pháp trọng tâm nhằm phát triển và tăng cường hợp tác tài nguyên khoáng sản

Tin tức - Sự kiện Địa chất - Khoáng sản  
Chia sẻ giải pháp trọng tâm nhằm phát triển và tăng cường hợp tác tài nguyên khoáng sản
Ngày 7/10 diễn Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN+3 về khoáng sản (ASOMM+3) lần thứ 14. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở 10 nước ASEAN và 3 nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thúc đẩy khai thác khoáng sản bền vững hướng tới bảo vệ môi trường

Tại Hội nghị, các quốc gia khẳng định, Khu vực ASEAN+3 cần liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện; thúc đẩy khai thác bền vững hướng tới bảo vệ môi trường và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về khai khoáng; và xây dựng môi trường xanh….

Bên cạnh đó, các nước ASEAN+3 cần hỗ trợ ngành khai khoáng khu vực phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch; duy trì và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm khoáng sản một cách bền vững và bổ trợ lẫn nhau; tăng cường hợp tác tài chính, tận dụng khoa học công nghệ, huy động đầu tư tư nhân cho hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và phát triển nguồn nhân lực ngành khai khoáng.

Đại diện Nhật Bản, ông Ito Yusuke, Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản và Khai thác, Cục Tài nguyên và Năng lượng Nhật Bản cho biết, hiện Nhật Bản đã áp dụng các chính sách trọng tâm phát triển tài nguyên khoáng sản như: Bảo tồn tài nguyên biển các nước (nỗ lực thúc đẩy đa đạng hóa và đa phương hóa hóa; hỗ trợ tài chính cho các công ty Nhật Bản); tái tạo tài nguyên (tăng tỉ lệ phục hồi); phát triển năng lượng thay thế (giảm sử dụng các nguyên liệu hiếm; sử dụng nguyên liệu thay thế, phát triển công nghệ); tăng cường dự trữ quốc gia (nguyên liệu kim loại hiếm); nguồn tài nguyên biển trong tương lai (tiếp tục khảo sát, phát triển công nghệ).

12a.png

Ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đánh giá cao vai trò của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam

Trong thời gian tới, Nhật Bản mong muốn giữ vững quan hệ hợp tác với các nước ASEAN để cùng nhau thúc đẩy ngành khoáng sản phát triển theo đặc thù riêng của mỗi nước, trong đó, nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác này sẽ nâng cao giá trị nguồn lực, hướng đến phát triển bền vững, hợp tác cùng có lợi….

Không chỉ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng là hai nước đã hợp tác, hỗ trợ không ngừng với 10 nước ASEAN trong việc thúc đẩy trao đổi thông tin kỹ thuật và các mô hình thực hành tốt nhất về thông tin và cơ sở dữ liệu, phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ của khoa học địa chất và phát triển bền vững tài nguyên khoáng sản.

Tại Hội nghị 14TH ASOMM+3, ba nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã trao đổi về phát triển công nghiệp khai khoáng, các chính sách, nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm phát triển khoáng sản bền vững, chính sách đầu tư thăm dò và chiến lược thăm dò; kế hoạch phục hồi khai khoáng trong tình hình dịch COVID-19 và quan điểm về triển vọng khoáng sản toàn cầu cũng như các thách thức chính đối với ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc...

Hướng tới ngành khoáng sản ASEAN sôi động và có tính cạnh tranh

Tại Hội nghị, các quốc gia đã chia sẻ chính sách phát triển khoáng sản bền vững của mỗi nước. Theo ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế tế trong các khuôn khổ song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong lĩnh vực khoáng sản là một trong những chính sách trọng tâm của Việt Nam trong thời gian qua.

Tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản hoạt động hiệu quả, đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ cao, thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại nhằm thu hồi tối đa sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả khoáng sản, bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials, Công ty Nikel Bản Phúc - Blackstone Minerals, Công Ty Trách nhiệm hữu hạn Siam City Cement (Việt Nam); qua đó thể hiện vai trò chủ động và tích cực, nâng cao vị thế của Việt Nam trong ASEAN + 3 và trên Thế giới.

Để tăng cường hợp tác trong ASEAN, các quốc gia rất quan tâm đến kế hoạch hợp tác khu vực thể hiện qua Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN 2016 – 2025 (AMCAP-III) Giai đoạn 2 (2021 – 2025) sẽ được thông qua trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) vào ngày 8/10.

13a.png

Quang cảnh Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản với ba nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 14 (14TH ASOMM+3) tại đầu cầu Hà Nội

AMCAP là kế hoạch chi tiết cho hợp tác khoáng sản ASEAN nhằm tăng cường hơn nữa sự phát triển năng động của ngành khoáng sản ASEAN. AMCAP-III sẽ tiếp tục nhấn mạnh vai trò hỗ trợ quan trọng của lĩnh vực khoáng sản trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong việc kích thích và tăng cường hội nhập kinh doanh và thương mại ở các Quốc gia Thành viên ASEAN. Trong bối cảnh đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ AEC, các Quan chức Cấp cao ASEAN về Khoáng sản cùng với các Nhóm Công tác sẽ nỗ lực thực hiện các chính sách, biện pháp và sáng kiến chiến lược nhằm tạo ra một ngành khoáng sản ASEAN sôi động và có tính cạnh tranh vì lợi ích của người dân ASEAN.

“Sự phát triển Giai đoạn 2 (2021-2025) của AMCAP-III hướng đến thúc đẩy nhiệm vụ này nhằm tạo ra một ngành khoáng sản ASEAN tiên tiến và tiến bộ vì sự thịnh vượng kinh tế-xã hội và môi trường ASEAN thông qua tăng cường thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực để phát triển khoáng sản bền vững trong khu vực", ông Shamsul Shahril Badliza bin Mohd Noor Thư ký cấp cao Bộ Năng lượng và Tài nguyên Malaysia kỳ vọng.