Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các địa phương quản chặt rác thải phòng chống dịch bệnh COVID-19

Tin hoạt động  
Các địa phương quản chặt rác thải phòng chống dịch bệnh COVID-19
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương chú trọng thực hiện hiệu quả, an toàn công tác thu gom, vận, chuyển, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế liên quan đến phòng, chống dịch bệnh.

Tại Nam Định, các huyện trên địa bàn tỉnh đều chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Bệnh viện đa khoa huyện; các Trung tâm y tế huyện; Trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường phối hợp, thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 theo Hướng dẫn số 2592/HD-STNMT ngày 28-8-2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Các khu cách ly y tế tập trung của các địa phương nghiêm túc tuân thủ theo đúng quy trình từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải y tế; thực hiện phun hóa chất khử khuẩn nguồn rác và chuẩn bị phương án xử lý phù hợp, không để rác tồn đọng lâu, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của khu cách ly. Các lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các công dân ở các khu cách ly liên quan đến dịch COVID-19 tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải.

 Các huyện, thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về việc sử dụng khẩu trang, thải bỏ sau khi sử dụng đúng quy định. Các địa phương đều chú trọng đảm bảo kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, đảm bảo chất thải phải được xử lý kịp thời, an toàn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Hướng dẫn vận hành lò đốt rác thải số 3361/HD-STNMT ngày 21-12-2016; tăng cường công tác vệ sinh môi trường nông thôn; kiểm tra, giám sát việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

Về công tác thu gom, tất cả những người tham gia quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm, vệ sinh thiết bị, dụng cụ đựng chất thải tại các cơ sở y tế đều được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định. Các đơn vị y tế cũng chủ động hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31-12-2015 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản có liên quan. Đảm bảo chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng không rơi vãi, phát tán khi thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế; đảm bảo an toàn cho người thực hiện tiêm chủng, người tham gia quản lý chất thải y tế, người đến tiêm chủng và cộng đồng.

​Tại Khánh Hòa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, toàn bộ chất thải rắn phát sinh từ khu vực điều trị người mắc Covid-19 trong cơ sở y tế phải được thu gom, quản lý như đối với chất thải y tế nguy hại. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19) phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử trùng khác trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý.

Về hoạt động xử lý, ưu tiên xử lý tại cơ sở y tế ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế hoặc bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm hoặc thiết bị khử khuẩn khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Bên cạnh đó, xử lý tập trung, vận chuyển chất thải ngay trong ngày đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm bệnh hoặc cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Toàn bộ chất thải rắn phát sinh ở khu vực cách ly tập trung, khu dân cư cách ly y tế, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú; chất thải phát sinh từ hoạt động xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; tại các điểm chốt phòng, chống dịch phải được thu gom, xử lý như đối với chất thải rắn phát sinh từ khu vực điều trị người mắc Covid-19 nêu trên.

Rác thải sinh hoạt chưa có sự tiếp xúc người nhiễm SARS-CoV-2 được thu gom, xử lý ngay trong ngày theo quy định về quản lý rác thải sinh hoạt. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện phun hóa chất khử trùng chất thải trước khi chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý.


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường