Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ TN&MT – Bộ Tư pháp: Phối hợp xây dựng văn bản pháp luật

Tin hoạt động  
Bộ TN&MT – Bộ Tư pháp: Phối hợp xây dựng văn bản pháp luật
Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật quan trọng. Cùng với đó là sự đổi mới phương thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đưa pháp luật ngành tài nguyên môi trường vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Những nội dung này được ghi nhận cụ thể tại Kế hoạch số 1513/KH-BTP-BTNMT của Bộ TN&MT và Bộ Tư pháp về Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác năm 2022 giữa hai đơn vị.

* Tập trung xây dựng, thẩm định các luật, nghị định quan trọng

Theo đó, các nội dung phối hợp trong năm 2022 được thực hiện trên cơ sở các nội dung của Quy chế phối hợp số 648 - QCPH / BTP - BTNMT ngày 28/02/2019 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, trọng tâm tập trung vào công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước sửa đổi, Luật Khoáng sản sửa đổi và nghị định quy định chi tiết thi hành các Luật này; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ - CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm  và việc rà soát khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn, giải đáp quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai trong công tác thi hành án dân sự cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Trong công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật sẽ thường xuyên, kịp thời kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc quyền kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Kịp thời xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Bộ Tư pháp; Chủ động thực hiện xử lý kết quả rà soát độc lập, chuyên sâu đối với nhóm quy định pháp luật về đất đai; rà soát, hẹ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo quy định.

6.X.2.png

Ảnh minh họa

* Đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

Bên cạnh việc xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản, hai Bộ sẽ sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Riêng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ngoài việc thực hiện nghiêm túc Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, hai bên cam kết sẽ đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường, đất đai…, chú trọng phổ biến cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Cùng với đó, hai Bộ sẽ hướng dẫn địa phương triển khai thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế. Tiếp đó là công tác kiểm tra liên ngành về đăng ký biện pháp bảo đảm bẳng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm và hệ thống đăng ký.

Ngoài ra, hai đơn vị sẽ rà soát khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn, giải đáp quy định pháp luật liên quan đến quản lý đất đai trong công tác thi hành án dân sự cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức họp liên ngành, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, báo cáo hai Bộ cùng xem xét và giải quyết.

Đặc biệt, trong công tác quản lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, 2 Bộ sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực đất đai, môi trường…cho công chức, viên chức và các đối tượng liên quan.

 


Theo Bộ tài nguyên và Môi trường